OCOP Quảng Ninh: Chuyển từ “lượng” sang “chất”

Đến nay, Quảng Ninh đã có 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó 236 sản phẩm đạt từ 3-5 sao.

Trong giai đoạn 2017-2020, chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh có bước chuyển từ “lượng” sang “chất” với hơn 200 sản phẩm xếp hạng từ 3-5 sao, góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn và đóng góp tích cực xây dựng công thôn mới.

Nhiều sản phẩm chủ lực như chả mực, hàu, ba kích, thịt lợn Móng Cái,.. của Quảng Ninh tạo uy tín lớn trên thị trường.

Tỉnh Quảng Ninh triển khai Chương trình OCOP từ năm 2013, là địa phương đi đầu trong cả nước. Sau 3 năm đầu tập trung xây dựng, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp, năm 2017, OCOP Quảng Ninh bước sang giai đoạn mới với mục tiêu phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, xác định khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư, tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Quảng Ninh đã hoàn thiện hệ thống bộ máy tổ chức thực hiện Đề án chương trình từ tỉnh đến xã, phường; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP như ưu tiên hỗ trợ thành lập tổ chức HTX, nâng cấp bao bì tem nhãn, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng sản phẩm được tập trung qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đã đưa 65 sản phẩm không đạt yêu cầu ra khỏi chu trình. Hoạt động xúc tiến thương mại đạt hiệu quả, hội chợ OCOP tổ chức thường niên có doanh thu hàng tỷ đồng/ngày, kết nối vào các chuỗi bán lẻ, thương mại điện tử, mở rộng xúc tiến tại các thị trường trọng điểm trong nước và một số thị trường quốc tế.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc công ty chế biến thủy sản đã có 2 sản phẩm 5 sao đầu tiên trong chương trình OCOP Quảng Ninh cho biết: “Cách làm làm OCOP của tỉnh Quảng Ninh là rất mạnh và tốt, có sự khác biệt so với các tỉnh bạn, giúp cho doanh nghiệp chúng tôi khi tham gia vào chương trình có được sức tiêu thụ rất lớn, đưa các sản phẩm có chất lượng tốt đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất”.

Các hội chợ OCOP tại Quảng Ninh, Hà Nội thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Đến nay, Quảng Ninh đã có 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó 236 sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Các sản phẩm OCOP đạt sao đều đáp ứng các yêu cầu cơ bản, một số đạt tiêu chuẩn tiên tiến… theo quy trình sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp, hoàn thiện về bao bì, nhãn mác. Doanh số bán hàng OCOP hàng năm đạt từ 500-700 tỷ đồng. Chương trình đã được Trung ương ghi nhận và nhân rộng trên cả nước, đồng thời góp phần tích cực vào mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đóng góp nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tại Quảng Ninh từ 10,5 triệu đồng/người vào năm 2010 lên 47 triệu đồng/người vào năm 2020, tạo công ăn việc làm cho hơn 4.500 lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp.

Tại Hội nghị Tổng kết Đề án OCOP tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020 diễn ra mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác phổ biến, tư vấn tiếp cận cơ chế chính sách chưa được chú trọng khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà; một số sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường; chậm triển khai các trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm, chậm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến… Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh xác định đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, gắn với chương trình Nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy người dân là chủ thể thực hiện chính. Tỉnh sẽ phát triển mới 300 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 250 sản phẩm đạt từ 3-5 sao với ít nhất 50 tổ chức kinh tế tham gia. Với những giải pháp Quảng Ninh cần tập trung để phát triển OCOP thời gian tới,

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam lưu ý: Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, tiềm năng lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP, không những để cung cấp cho thị trường trong nước mà còn phải hướng đến xuất khẩu. Vấn đề truy xuất nguồn gốc, vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu là những yếu tố rất quan trọng. Cần phải có những trung tâm để vừa hỗ trợ cho chủ thể, vừa đánh giá được các sản phẩm, đảm bảo được chất lượng và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng./.