Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận nới room tín dụng cho một số nhà băng như: HDBank, VPBank, VIB, TPBank, Techcombank, MB… Các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB… vẫn giữ nguyên mức room cũ.
Mặt bằng lãi suất xu hướng giảm
Trao đổi với phóng viên, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, NHNN nới room tín dụng cho một số NHTM cũng là một trong những công việc cần thiết trong giai đoạn này. Mặc dù hiện tín dụng toàn hệ thống đang tăng trưởng khá chậm, nhưng cũng có những ngân hàng vẫn duy trì được mức tăng trưởng tương đối tốt do họ cho vay khả quan ở một số lĩnh vực và có những bạn hàng thường xuyên. Vì vậy việc nới room cho những nhà băng này là hợp lý.
Thực tế đúng là như vậy, nhìn vào các ngân hàng được NHNN nới room đều có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt. Như Techcombank tăng trưởng tín dụng đến nay đã đạt 13%, HDBank là 11%, VIB là 10,5%, TPBank đã dùng hết 11%. Trường hợp VIB, ngân hàng này có mức tăng khả quan khi cho vay cá nhân để mua ô tô. HDBank cũng là nhà băng có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dư nợ, dự kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 15%, kéo thu nhập lãi tăng trưởng ở mức 18,2%…
Nới room tín dụng về lý thuyết sẽ tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho DN, nhất là trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh sau những tác động quá nặng nề từ Covid-19, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thêm nữa, mặt bằng lãi suất hiện nay ngày càng giảm cũng là yếu tố để có thể kích thích tăng trưởng tín dụng. Từ đầu tháng 9/2020, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Lãi suất các kỳ hạn ngắn thậm chí đã xuống dưới 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của NHNN.
Đơn cử Techcombank đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 2 – 5 tháng còn 2,9%/năm; 6 tháng còn 4,4%/năm; từ 7 – 11 tháng còn 4%/năm; 12 tháng là 4,6%/năm. Nhìn chung lãi suất huy động trên toàn hệ thống kỳ hạn 6 tháng trong khoảng 4,4 – 7,05%/năm; trong đó 4 NHTM nhà nước mức lãi suất kỳ hạn này chỉ quanh 4,4%/năm, giảm 1%/năm so với đầu năm.
Lãi suất huy động giảm giúp các ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay, mức giảm của các NHTMCP hiện khoảng 0,23%/năm đối với những khoản vay ngắn. Các ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm lãi suất cho vay từ 0,58 – 0,74%/năm đối với những khoản vay sản xuất kinh doanh thông thường. Lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh từ 8 – 8,81%/năm kỳ hạn ngắn và 9,87 – 10,34%/năm ở trung dài hạn. Riêng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất vay tối đa 5%/năm…
Để hỗ trợ người dân và kích cầu tiêu dùng, NHNN cũng đã chỉ đạo các NHTM, công ty tài chính triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất cho vay hấp dẫn. Như tại Techcombank, vay mua ô tô và chi tiêu hàng ngày chỉ với mức lãi suất 6,99%/năm cho tới 8,75%/năm cố định trong vòng 2 năm.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Thống đốc NHNN cũng đã chỉ đạo, kêu gọi các TCTD bằng chính nguồn lực của mình từ tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, kể cả hạn chế chia cổ tức để có nguồn lực tài chính giảm lãi suất các khoản vay cũ. Và trên thực tế các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất với con số rất đáng ghi nhận. Với các khoản cho vay mới, theo mặt bằng điều hành lãi suất của NHNN thì các khoản vay mới cũng sẽ được thực hiện theo mức lãi suất thấp hơn.
Giải quyết bài toán sức hấp thụ vốn
Nhìn rộng ra, nền kinh tế thế giới cũng đang có những tín hiệu đáng mừng khi Nga cũng như một số quốc gia khác đang chuẩn bị cho ra mắt vaccine phòng Covid-19, nên hoàn toàn có thể hy vọng nền kinh tế thế giới năm 2021 sẽ dần có sự phục hồi, thậm chí có thể sớm hơn một chút. Thêm nữa, các quốc gia trên thế giới đều đã và đang có những động thái tích cực để thích ứng nhất định với việc phòng, chống dịch đi đôi với duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Nếu tình hình diễn tiến khả quan, thì việc hồi phục nền kinh tế sẽ giúp cho thị trường tiêu thụ mở rộng ra. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tăng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ dần phục hồi nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, nên cầu vốn sẽ tăng theo. Song kỳ vọng là như vậy, trên thực tế hiện nay các chuyên gia nhận thấy dù lãi suất có giảm, NHNN cũng có rất nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng một phần rất lớn vẫn nằm ở sức hấp thụ vốn của DN. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, thanh khoản các ngân hàng đang tương đối dư thừa, nhưng nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì không thể nào DN vay được vốn.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc đáp ứng nhu cầu về vốn là cần thiết, song cũng cần lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, các ngân hàng không được hạ chuẩn cho vay, nên rõ ràng các DN cũng phải tự nỗ lực để cải thiện mình. Đơn cử, nhìn vào những DN có phương án sản xuất kinh doanh, định hướng tốt có thể cho họ vay theo dạng vay dự án đầu tư, dự án sản xuất.
Thứ hai, các ngân hàng cần tích cực xem xét tái cấu trúc các khoản nợ cũ, liên quan tới việc sửa đổi Thông tư 01 sao cho phù hợp với thực tiễn, để vừa giúp DN có nguồn thu, nhưng vẫn đảm bảo được an toàn về tín dụng.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tới tín dụng tiêu dùng để có đầu ra cho sản xuất. Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng được sẽ phần nào giúp an sinh xã hội tốt hơn, đời sống người dân được cải thiện, đặc biệt kích thích cầu tiêu dùng khiến sản xuất kinh doanh tăng trưởng.
Liên quan tới Thông tư 01, một số chuyên gia nhìn nhận: NHNN có thể xem xét một số cơ chế, chính sách (như tái cấp vốn…) để hỗ trợ các ngân hàng vì bản thân các ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn, riêng việc không chuyển nhóm nợ (dù bản chất đã là nợ xấu) đã là một gánh nặng rất lớn rồi.
“Nếu các ngân hàng có thêm những hỗ trợ về cơ chế, chính sách thì theo đó cũng sẽ có cơ hội để trợ lực cho các DN hơn”, một chuyên gia chia sẻ. Khi đã ở trong một tình huống chưa từng có như hiện nay, NHTM phải phần nào đó phải chấp nhận rủi ro lớn hơn và phương thức quản trị rủi ro cũng phải thay đổi cho phù hợp để vừa giúp ngân hàng vẫn duy trì được hoạt động, hỗ trợ được cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn, “trong điều kiện đặc biệt cần có những giải pháp đặc biệt, phù hợp với thực tế”.
Minh Khuê/Thời báo Ngân hàng