Nỗi lo về trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp đưa ra cảnh báo về sự rủi ro thị khi trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng quá nóng trong hơn 3 năm qua.

Nhiều rủi ro

Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong tháng 8 tăng đột biến lên gần 38.400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi con số phát hành trong tháng 7 là 19.900 tỷ đồng. Dẫn đầu danh sách phát hành TPDN trong tháng 8 là các công ty bất động sản (BĐS) với tỷ trọng 30,39%. Tiếp đến là các tổ chức tín dụng, dịch vụ, sản xuất và chứng khoán. Kỳ hạn phát hành từ 1 năm đến 15 năm, kỳ hạn phát hành bình quân là 3,97 năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp đã “chạy nước rút” phát hành trước thời điểm Nghị định 81/2020/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN có hiệu lực (từ ngày 1/9/2020). Điều này sẽ dẫn đến lo ngại về nguy cơ về một sự đổ vỡ liên hoàn trong tương lai, đặc biệt khi nhìn vào nhóm doanh nghiệp bất động sản, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã vượt lên dẫn đầu về tỷ lệ phát hành trái phiếu từ đầu năm đến nay.

tien-gui-1492505178793_ifkr
Để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp an toàn, nhà đầu tư cần có khả năng phân tích tình hình tài chính như xem xét từng chỉ số, vòng quay vốn, lợi nhuận… của doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng trả nợ hay không.

Một đặc điểm đáng chú ý khác chính là việc các ngân hàng không chỉ là một trong các chủ thể phát hành trái phiếu nhiều nhất, mà còn là đối tác mua tích cực nhất lượng trái phiếu mà các doanh nghiệp thuộc các ngành khác bán ra. Như báo cáo gần đây của Công ty chứng khoán SSI cho thấy, trong số 71.600 tỷ đồng trái phiếu do nhóm các doanh nghiệp bất động phát hành trong quí 2, thì các ngân hàng thương mại đã mua đến 28.200 tỷ đồng trái phiếu bất động sản trên thị trường sơ cấp, chiếm 40% tổng lượng phát hành.

Dù phần lớn TPDN các ngân hàng mua vào trong những năm qua đã sang tay cho các nhà đầu tư cá nhân, thường là những khách hàng gửi tiền tại ngân hàng, nhưng một lượng lớn TPDN vẫn đang tồn lại tại các ngân hàng.

Thị trường TPDN đã được ví như thị trường mở với “ba không” như: Không có tài sản bảo đảm, không định mức tín nhiệm và không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Với sự dễ dãi như vậy nên không khó hiểu khi các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa công cụ này để huy động vốn, trong bối cảnh tiếp cận vốn vay ngân hàng ngày càng khó khăn hơn, nhất là vốn trung, dài hạn. Chính vì vậy mà liên tiếp những cảnh báo từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) suốt từ năm 2019 đến nay cho thấy rủi ro của thị trường này ngày càng gia tăng đáng kể, khi đã tăng trưởng quá nóng trong hơn ba năm qua.

Nhà đầu tư nên cẩn trọng

Chia sẻ mới đây, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ồ ạt trong thời gian vừa qua và tìm cách để trái phiếu của mình hấp dẫn bằng cách đẩy lãi suất cao gần tới 20% dễ là bẫy rủi ro đối với các nhà đầu tư riêng lẻ.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để đầu tư TPDN an toàn, nhà đầu tư cần có khả năng phân tích tình hình tài chính như xem xét từng chỉ số, vòng quay vốn, lợi nhuận… của doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng trả nợ hay không. Nếu không có khả năng phân tích thì nhà đầu tư nên cẩn trọng hoặc nhờ đến sự tư vấn của các đơn vị chuyên nghiệp.

Về phía Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc phát triển nhanh thị trường TPDN cũng kèm theo rủi ro lớn. Cụ thể, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án. Nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu gây bất ổn cho thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra liên bộ để kiểm tra tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ, đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các đối tượng tham gia thị trường tuân thủ quy định của pháp luật và chấn chỉnh việc phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN.

Bộ Tài chính đã thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tình hình thị trường TPDN và khung khổ pháp lý để giúp các nhà đầu tư, các đối tượng tham gia thị trường nắm bắt và tuân thủ quy định của pháp luật, phòng ngừa rủi ro TPDN, cảnh báo nhà đầu tư. Bên cạn đó, nhà đầu tư cá nhân phải cân nhắc về các rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thận trọng đối với việc chào mời và cam kết của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi phân phối TPDN.

Với TPDN, các giải pháp điều hành của NHNN vẫn đang tính tổ chức tín dụng (TCTD) mua TPDN tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các TCTD này, như vậy cũng là một biện pháp kiểm soát. Cùng với đó, các đơn vị chức năng, đặc biệt là cơ quan thanh tra giám sát, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thường xuyên theo dõi, báo cáo về các TCTD. Nếu các TCTD có tỉ lệ tín dụng tập trung cao vào các lĩnh vực có rủi ro (trong đó có bất động sản, TPDN), cơ quan thanh tra giám sát sẽ có văn bản cảnh báo để các TCTD này kiểm soát, không được chủ quan khi cấp tín dụng đối với các lĩnh vực này.

Nghị định 81 sẽ thắt chặt hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp tại thị trường trong nước, như quy định mỗi đợt phát hành trái phiếu phải hoàn thành trong vòng 90 ngày từ khi công bố thông tin và đợt sau cách đợt trước tối thiểu sáu tháng; dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quí gần nhất; bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành; điều kiện phát hành đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền cũng theo hướng thắt chặt hơn.

Theo Thạc sĩ Đoàn Thị Dung/Chất lượng&cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email