Hiện ngành công nghiệp thời trang bán lẻ đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng thấy tại Mỹ và Châu Âu.
Nối gót Topshop, thương hiệu thời trang bán lẻ danh tiếng Forever 21 được cho là đang cân nhắc việc nộp đơn xin phá sản sau các cuộc khủng hoảng kéo dài về doanh thu, theo báo cáo của Bloomberg và CNBC. Mặc dù Forever 21 đã thực hiện hàng loạt các cuộc cải tổ với cố vấn tài chính, cơ cấu lại các khoản nợ, song kết quả thu lại không khả quan.
Cách đây vài tuần, một báo cáo cho biết, với doanh thu 3 tỷ đô mỗi năm, thương hiệu danh tiếng này đang phải vật lộn để trả tiền cho các nhà cung cấp nguyên vật liệu và chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ ở Mỹ. Nộp đơn xin phá sản có thể xem như biện pháp cuối cùng của Forever 21 nhằm tìm cách hồi sinh thương hiệu, dừng hoạt động các cửa hàng lợi nhuận thấp và tái cấp vốn cho doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, Forever 21 vẫn chưa thông báo đóng cửa bất cứ cửa hàng nào trong tổng số 800 cửa hàng toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, theo CNBC, rất nhiều cửa hàng Forever 21 trong các trung tâm thương mại phải chịu tình cảnh ế ẩm kéo dài và sẽ phải đóng cửa trong tương lai. Trước đó, một thương hiệu khác không kém phần đình đám của Anh là Topshop cũng đã nộp đơn xin phá sản và đóng cửa toàn bộ các cửa hàng tại Mỹ.
Kết quả đáng buồn của Forever 21 như hiện nay, theo như tờ The L.A. Times phân tích, là bởi Forever 21 đã đánh mất bản sắc “tươi mới” cũng như quá tham lam trong việc mở rộng quy mô. “Họ đánh mất những yếu tố đã làm nên bản sắc thương hiệu Forever 21”, ông Roger Beahm từ trường Đại học Wake Forest cho biết.
Thời trang nhanh (fast fashion) bùng nổ từ những năm 1960, phát triển mạnh mẽ khắp toàn cầu với sự bành trướng của nhiều thương hiệu H&M, Forever 21, Banana Republic, Gap, Topshop…. Tuy nhiên, hiện ngành công nghiệp thời trang bán lẻ hiện đang đối mặt với những thách thức chưa từng thấy tại Mỹ và Châu Âu./.