Nỗ lực để được thu hồi thẻ vàng

Nếu cả cộng đồng đồng lòng quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU trong thời gian sớm nhất, hướng tới phát triển nghề cá bền vững, thì Việt Nam không chỉ giữ vững thị trường trọng điểm EU với mục tiêu xuất khẩu thủy sản 1,2-1,4 tỷ USD/năm, mà còn vươn mạnh sang nhiều thị trường khó tính khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP – Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP cho biết, từ năm 2018 đến nay, “thẻ vàng” IUU của EU đã khiến xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối, là đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam. Vì vậy, giữ vững thị trường EU là việc quan trọng mà VASEP và cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam nỗ lực trong 3 năm qua.

Nhằm thực hiện chống khai thác IUU, Việt Nam đã liên tục ban hành – hoàn thiện môi trường pháp lý của ngành thuỷ sản như: ban hành Luật Thuỷ sản 2017, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nghị định, thông tư, văn bản pháp lý có tham vấn của châu Âu cùng sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến.

no luc de duoc thu hoi the vang
Việt Nam quyết liệt gỡ thẻ vàng IUU

Phía EC cũng đã hai lần sang Việt Nam để kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Dự kiến năm 2020, phía EC sẽ tiến hành kiểm tra lần thứ ba, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phía bạn chưa thể sang. Nhưng các kết quả triển khai chống khai thác IUU của Việt Nam luôn được cập nhật, báo cáo trực tuyến theo 4 nhóm khuyến nghị mà EC đã khuyến cáo. Để gỡ cảnh báo thẻ vàng và hướng tới phát triển bền vững nghề cá, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế còn nhiều việc phải làm. Như kiểm soát tàu cá (ra – vào, hoạt động tại cảng và hoạt động trên biển), kịp thời phát hiện, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU; kiểm soát nguyên liệu hải sản…

Ở vai trò của hiệp hội ngành hàng, VASEP đã chủ động triển khai chương trình “Doanh nghiệp Hải sản cam kết chống khai thác IUU” với 4 nhóm hoạt động chính: Cam kết chống khai thác IUU; đề xuất, góp ý xây dựng các văn bản pháp lý liên quan; hợp tác với các bên và quan hệ quốc tế; Tích cực truyền thông về các quy định chống khai thác IUU.

Với sự tham gia của 62 doanh nghiệp, Ủy ban hải sản VASEP, Ban Điều hành IUU VASEP tiếp tục chung tay đồng hành cùng Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý và bà con ngư dân thực hiện chương trình chống khai thác IUU. Chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nói không với thuỷ sản khai thác IUU: Không thu mua, không nhập khẩu, không vận chuyển, không chế biến và không xuất khẩu thuỷ sản khai thác IUU sang bất cứ thị trường nào.

Với sự kiên trì, nỗ lực không ngừng, VASEP không chỉ tích cực tham gia góp ý vào việc hoàn thiện khung pháp lý của ngành, mà còn tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về lao động trẻ em, hướng dẫn thực hiện quy định IUU, cùng tham gia các cuộc họp với EC, nắm bắt và chia sẻ thông tin với EC cũng như với Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản. Những nỗ lực đó của VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy hải sản trong thời gian qua đã được Bộ NN&PTNT ghi nhận, được EC tin tưởng và thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin.

Thấu hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình chống khai thác IUU, Chiến lược phát triển thuỷ sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đang được Bộ NN&PTNT hoàn tất để trình Chính phủ. Trong đó, để đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu, Việt Nam sẽ giảm sản lượng khai thác, nhưng tăng cường nuôi biển. Đề án nuôi biển đến 2030 cũng đang được hoàn tất để trình Chính phủ nhằm tận dụng bờ biển dài tại 28 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đại diện một số doanh nghiệp kiến nghị, với một số tàu cá Việt Nam vẫn tiếp tục đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, cần có chế tài mạnh hơn đối với các hoạt động vi phạm, thậm chí là áp dụng các biện pháp hình sự đối với những người vi phạm. Nếu cả cộng đồng đồng lòng quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU trong thời gian sớm nhất, hướng tới phát triển nghề cá bền vững, thì Việt Nam không chỉ giữ vững thị trường trọng điểm EU với mục tiêu xuất khẩu thủy sản 1,2-1,4 tỷ USD/năm, mà còn vươn mạnh sang nhiều thị trường khó tính khác.

Nghề cá các nước trên thế giới đã có những nỗ lực đáng khích lệ trong việc chuyển dịch từ phương thức khai thác hải sản truyền thống sang khai thác bền vững, cần chung tay ngay để có thể bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn lợi biển một cách hiệu quả. Đặt trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch toàn cầu Covid-19 đang gây thiệt hại nặng nề cả về yếu tố con người, xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng tạo cơ hội để các nền kinh tế chuyển dịch sang một nền kinh tế bền vững hơn, bình đẳng hơn, góp phần đảm bảo những lợi ích liên quan tới biển cho các thế hệ tương lai và Việt Nam không là ngoại lệ, đang thể hiện quyết tâm cao nhất có thể.

Theo Hữu An/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email