Mặc dù dịch Covid-19 liên tục gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu của Thủ đô nhưng những nỗ lực của chính quyền cũng như sự quyết tâm của các DN vẫn tạo nên điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu.
Theo kế hoạch từ đầu năm về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2021, thành phố phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tăng 5% so với thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lan rộng trên địa bàn và trên cả nước đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu này. Các DN xuất khẩu đang lâm vào cảnh gặp khó khăn trên nhiều mặt, từ tổ chức sản xuất, đến thiếu nguồn nguyên liệu, đơn hàng bị hủy, thậm chí nhiều DN phải tạm dừng hoặc sản xuất cầm chừng để xử lý các ca nhiễm Covid. Theo các chuyên gia, trong những tháng cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn có xu hướng gia tăng là một thách thức không nhỏ đối với mục tiêu xuất khẩu của Hà Nội.
Theo UBND TP. Hà Nội, ảnh hưởng của 2 đợt dịch Covid-19 vào cuối tháng 1 và cuối tháng 4 đã tác động đến đà phục hồi tăng trưởng của các DN. Thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp vừa phòng, chống dịch vừa quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời triển khai nhiều giải pháp, gỡ khó cho DN xuất khẩu. Nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn bị ảnh hưởng nặng nề và chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Trong tháng 7/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 878 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 533 triệu USD, giảm 8,4% và tăng 0,3%.
Trước những khó khăn của các DN xuất khẩu, thời gian qua Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN, nhất là các DNNVV. Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thành phố đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Triển khai các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong sản xuất và lưu thông hàng hóa. Chủ động thực hiện các giải pháp, tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, không để tình trạng ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Trong nửa đầu năm 2021, tình hình thu hút đầu tư cũng như sản xuất công nghiệp trên địa bàn đều có xu hướng tăng nhẹ. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới, dự án bổ sung tăng vốn và mua cổ phần ước đạt 694,3 triệu USD, trong đó đăng ký mới 171 dự án với số vốn đạt 96,1 triệu USD; 78 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 477,7 triệu USD. Trong khi đó chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2021 cũng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2020 tăng 3,5%).
Có thể thấy, những nỗ lực của thành phố trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Việc triển khai nhanh, kịp thời các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, như giãn, hoãn thuế, cơ cấu nợ, giảm lãi suất tín dụng… cũng như các giải pháp về xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, nhất là trên nền tảng thương mại điện tử đã giúp các DN xuất khẩu bớt được áp lực.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid bùng phát ảnh hưởng tới việc giao thương trực tiếp, sở đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Amazon Global Selling, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo chuyên ngành trong lĩnh vực xuất khẩu, tạo điều kiện cho DN tìm thêm được các kênh xuất khẩu, thị trường mới phù hợp qua thương mại điện tử…
Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu vẫn có sự tăng trưởng nhẹ. Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội ước đạt 8.518 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 3.129 triệu USD, giảm 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2.761 triệu USD, tăng 23,7%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng tăng so với cùng kỳ là điện thoại và linh kiện đạt 205 triệu USD, tăng gần 2 lần; Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 401 triệu USD, tăng 35,7%; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 850 triệu USD, tăng 30,6%; Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1.186 triệu USD, tăng 33,7; Giầy dép các loại và sản phẩm từ da đạt 207 triệu USD, tăng 41,1%; Hàng may, dệt đạt 1.184 triệu USD, tăng 13,7%…
Mặc dù dịch Covid-19 liên tục gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu của Thủ đô nhưng những nỗ lực của chính quyền cũng như sự quyết tâm của các DN vẫn tạo nên điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu. Những tháng cuối năm 2021 thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho DN để nâng cao sức cạnh tranh. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp tập trung, cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống dịch vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu. Đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư… đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử.
Theo Nguyễn Minh/Thời báo Ngân hàng