Những cổ phiếu lội ngược dòng

 

Trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi và khó lường từ đại dịch và kinh tế cả trong ngoài nước cực kỳ khó khăn, vẫn có một số ít doanh nghiệp lội ngược dòng thành công.

Giữa lúc đại dịch hoành hành, vẫn có những doanh nghiệp lội ngược dòng thành công, đáng kể là sữa Viamilk, doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý II hợp nhất lần lượt tăng trưởng dương 6% và 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, Vinamilk đạt gần 30.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 7% cùng kỳ, còn lợi nhuận trước thuế hơn 7.000 tỷ đồng, tăng gần 3%.

Theo Vinamilk, việc dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội thời điểm cuối tháng 4 đã có tác động tích cực đến tình hình kinh doanh trong quý II của doanh nghiệp. Trong nguy lại có cơ: dịch Covid-19 khiến người dân ý thức hơn về sức khỏe, kéo theo nhu cầu tìm kiếm các loại thức uống dinh dưỡng để bảo vệ nâng cao đề kháng cho bản thân và gia đình gia tăng đáng kể.

Trên lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, Công ty công trình Viettel (CTR) báo cáo doanh thu và lợi nhuận ròng 6 tháng tăng 11% và 28% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí so với kế hoạch lãi 200 tỷ đồng trong năm 2020, CTR hiện đã hoàn thành 50% chỉ tiêu đề ra. Được biết, mảng kinh doanh chủ lực của CTR chính là vận hành khai thác nhà trạm và ứng cứu thông tin phục vụ cho thị trường viễn thông.

Bên cạnh đó, Tập đoàn FPT cũng hoạt động khả quan khi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đạt lần lượt là 13.611 tỷ đồng và 2.428 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng là 9% và 14% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực bất động sản được cho là chịu thiệt hại vì Covid-19, nhưng cũng có một số doanh nghiệp vẫn duy trì được xu thế tăng trưởng dương, dù khá khiêm tốn. Đơn cử, Công ty cổ phần Vinhomes ghi nhận con số lãi ròng 6 tháng đầu năm tăng 8%, lên mức 10.602 tỷ đồng. Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2020 đạt 706,3 tỷ đồng, tăng 38,8% so với nửa đầu năm 2019, đồng thời hoàn thành được 60% mục tiêu về lợi nhuận cho cả năm.

Với lĩnh vực ngân hàng, đúng như dự báo dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong quý II, khi mà tín dụng tăng trưởng chậm, trong khi lãi biên giảm mạnh khi các nhà băng đang nỗ lực cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên với những ngân hàng có thế mạnh về dịch vụ vẫn duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận, dù có thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi và khó lường từ đại dịch và kinh tế cả trong ngoài nước cực kỳ khó khăn, vẫn có một số ít doanh nghiệp lội ngược dòng thành công. Điểm chung của các doanh nghiệp này là có nền tảng kinh doanh khá vững chắc. Lãnh đạo các doanh nghiệp này cũng nhanh nhạy trong việc thích nghi với hoàn cảnh mới, nâng cao quản trị công ty, liên tục tìm kiếm các cơ hội và cách làm mới để phòng chống nguy cơ suy giảm.

Dựa trên báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020, FiinGroup ghi nhận có 7 ngành đạt mức tăng trưởng dương về lợi nhuận là hóa chất, truyền thông (chủ yếu do chịu ảnh hưởng chính của mã YEG), tài nguyên cơ bản, ô tô phụ tùng, thực phẩm – đồ uống, y tế và dịch vụ công nghiệp. Tuy nhiên, cũng có tới 11 ngành khác phải chịu mức suy giảm, trong đó dầu khí và du lịch – giải trí là hai khu vực có mức tăng trưởng âm lớn nhất.

Đối với mảng ngân hàng, tổng mức tăng trưởng tín dụng của 13/19 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính là khoảng 4%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng tín dụng có xu hướng tăng lên trong tháng 6/2020, khi cuối tháng 5 mới chỉ đạt 1,96%. Ngoài ra từ đầu tháng 7, NHNN sẵn sàng tăng thêm hạn mức tín dụng cho những ngân hàng có hiệu quả kinh doanh tốt trong những tháng còn lại của năm để hỗ trợ tăng trưởng. “Theo đánh giá của chúng tôi, tình hình tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm sẽ khả quan hơn”, hãng Fiingroup nhận định.

Theo Nam Minh/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email