Nhu cầu làm đẹp ngày càng rủi ro hơn

Hàng loạt tai biến và cả tử vong khi phẫu thuật thẩm mỹ gần đây đã khiến không ít khách hàng hoang mang với một số thẩm mỹ viện. Những ca phẫu thuật “liều mạng” của một vài bác sĩ lại càng đẩy phụ nữ muốn làm đẹp vào rủi ro.

Hôm nay 1/11, TS – BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết: Bác sĩ Đinh Viết Hưng (TP.HCM) người nâng ngực cho nữ Việt kiều bị tử vong và vừa hút mỡ bụng cho khách hàng có thai, đã cung cấp cho Sở Y tế TP.HCM quyết định điều chỉnh bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh đối với người hành nghề khám, chữa bệnh với phạm vi được bổ sung là khám, chữa bệnh chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ do Sở Y tế Đồng Nai cấp là giả… 100%.

Thông tin chấn động này mới nhưng không lạ vì nghi ngờ này đã có từ lâu. Điều ấy “bình thường” như việc một số thẩm mỹ viện chỉ có chức năng A nhưng làm luôn B, C để nhanh kiếm tiền khách hàng. Chuyện đó cũng chẳng bất ngờ như một số bác sĩ hay phòng khám “nổ” vang trời tưởng chừng sẽ biến một phụ nữ bình thường sau phẫu thuật trở thành hoa hậu. Nhưng tại sao họ vẫn ngang nhiên hành nghề, móc túi khách hàng và có khi đẩy họ đến chỗ chết?

Rồi cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm, chấn chỉnh quyết liệt và “cần thiết rút giấy phép”. Rồi những bác sĩ như ông Hưng sẽ phải chịu trách nhiệm. Những kiểu giải quyết và chạy theo như thế có lẽ người tiêu dùng, khách hàng đã nghe quá nhiều, quá nhàm và quá chán. 15/10, một phụ nữ cũng ra đi mãi mãi sau khi căng da mặt ở Thẩm mỹ viện Kangnam và tưởng chừng như họ sẽ phải đóng cửa để làm rõ, các bệnh viện thẩm mỹ khác sẽ cẩn trọng hơn. Nhưng rồi ông Hưng vẫn làm những việc không được làm với giấy tờ giả!

Phụ nữ nào cũng có nhu cầu làm đẹp. Khách hàng nào cũng có quyền hoàn thiện ngoại hình bản thân và họ luôn lựa chọn giá cả hợp lý cho mình. Nhưng có phải vì thế mà dễ dàng công khai lừa dối, gây nguy hiểm hay liều mạng làm những việc dẫn đến cái chết thảm thương? Chẳng ai chấp nhận, không luật pháp nào dung thứ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý là không để những sai phạm ấy xảy ra chứ không phải chạy theo giải quyết sự vụ đã rồi.

Chỉ trong tháng 10, hai phụ nữ đã bỏ mạng và 1 người phải đang khiếu kiện lo ngại không thể mang thai. Còn trước đó không hiếm những tai biến khi phẫu thuật thẩm mỹ. Báo động đã có, khuyến cáo cũng nhiều và chấn chỉnh chẳng ít. Nhưng càng ngày tiền làm đẹp càng phải trả nhiều hơn và tin tức tai biến cũng tỷ lệ thuận! Nghịch lý ấy chẳng lẽ cứ tái diễn, đau lòng đó vẫn lặp lại?

Từ ngày 22/10/2019, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã có chỉ đạo liên quan đến các sự cố nghiêm trọng dẫn đến chết người tại cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn, trong đó có bệnh viện thẩm mỹ Emcas, Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam… khiến dư luận hoang mang.

Nhưng đã hơn nửa tháng, kết quả kiểm tra, xử lý vẫn chưa được Sở Y tế TP.HCM công bố rõ ràng, càng khiến dư luận thêm nghi vấn về những bất thường trong các vụ việc chết bệnh nhân đặc biệt nghiêm trọng này. Và nay thì một bác sĩ tai tiếng lại sử dụng giấy tờ giả để hành nghề. Phải chăng những dây dưa, nhẹ tay trong xử lý càng khiến cho nhu cầu làm đẹp của phụ nữ bị nhiều rủi ro hơn, có khi lại nhận lãnh hậu quả thật đau lòng?

Theo Phan Nguyễn/Người tiêu dùng