Nhộn nhịp thị trường lao động cuối năm

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thị trường lao động cuối năm 2022 đang phục hồi rất nhanh. Lao động đã trở lại thị trường với quy mô khoảng 51,4 triệu người, số lượng tăng lên hàng ngày.

Nhu cầu tuyển dụng, tìm việc tăng cao

Bước vào quý cuối cùng của năm 2022, hàng loạt doanh nghiệp liên tiếp thông báo tuyển dụng hàng nghìn nhân sự cho nhiều vị trí làm việc.

Trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng thương mại đang đang tích cực tuyển dụng nhân sự. Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đăng thông báo tuyển dụng 1.232 chỉ tiêu cho các chi nhánh trong hệ thống đợt 2 năm 2022. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa tuyển dụng 328 chỉ tiêu nhân sự tại 84 chi nhánh; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) triển khai chương trình tuyển dụng 300 nhân sự cho các vị trí từ nay đến 30/10; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng vừa tuyển dụng tập trung 300 nhân sự trên toàn quốc, làm việc tại các điểm giao dịch, đặc biệt là các vị trí thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại hội sở.

nhon nhip thi truong lao dong cuoi nam
Hiện hàng loạt doanh liên tiếp thông báo tuyển dụng hàng nghìn nhân sự cho nhiều vị trí làm việc

Tương tự, ngành sản xuất linh, phụ kiện cũng đang tuyển dụng nhiều lao động để bù đắp sự thiếu hụt. Bà Hoàng Thị Chín, chuyên viên hành chính nhân sự Công ty TNHH Sản phẩm Ricoh Imaging (Việt Nam) cho biết, đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 lao động phổ thông, độ tuổi từ 18-35 cùng nhiều vị trí khác như nhân viên kỹ thuật sơn, nhân viên kỹ thuật sửa chữa, IT, phiên dịch tiếng Anh, tiếng Nhật…

Đang tham gia một chương trình giới thiệu việc làm, ông Võ Thành Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần Trần Anh Tây Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển gấp 30 nhân viên kinh doanh (nam, nữ) tuổi từ 20-30, không yêu cầu bằng cấp. Ngoài mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng, nhân viên còn được hưởng hoa hồng sản phẩm là 2,5% cùng đầy đủ các chế độ theo quy định của Luật Lao động.

Để tuyển dụng được nhân sự trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp chấp nhận thỏa thuận một số quyền lợi liên quan đến người lao động như lương, thưởng, thời gian làm việc… Đại diện phòng tuyển dụng của Siêu thị Điện máy Mediamart cho biết, trong dịp này, đơn vị còn tuyển sinh viên năm cuối làm việc theo giờ, thực hiện mức lương theo thỏa thuận.

Doanh nghiệp đang gặp khó

Xu hướng tăng nhu cầu tuyển dụng đang lan tỏa khắp thị trường lao động. Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc của Navigos Search (Navigos Group) cho biết, qua kết quả khảo sát của hơn 400 doanh nghiệp và hơn 3.000 người tìm việc tại thị trường Việt Nam cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động và tìm việc trong những tháng cuối năm rất cao. 89% doanh nghiệp sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng, tuỳ theo quy mô và nhu cầu của các doanh nghiệp và 80% người lao động ở các cấp độ có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới trong những tháng cuối năm 2022.

Kết quả khảo sát cho biết, các doanh nghiệp có quy mô từ 300-1.000 lao động tăng tuyển dụng từ 50-60%, quy mô từ 101-300 lao động sẽ tăng tuyển dụng từ 10-40%, quy mô dưới 100 lao động cũng có nhu cầu tăng tuyển dụng cao hơn 50-60%. Nhiều doanh nghiệp cũng đang có nhiều chính sách tốt nhằm giữ chân lao động.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, những ngành nghề liên quan đến thương mại – dịch vụ sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn hơn. Tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng…; một số nhóm ngành khác cũng được dự báo sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn trong thời gian tới là nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, giao nhận hàng và công nghiệp chế biến… Tùy theo bối cảnh thị trường, cung – cầu lao động, vị trí việc làm, cạnh tranh trong tuyển dụng và sự phát triển của doanh nghiệp, người lao động sẽ được mức lương, thưởng linh hoạt, hấp dẫn.

Lý giải nguyên nhân thị trường sôi động trong những tháng cuối năm, một chuyên gia phân tích, thời gian này các doanh nghiệp sẽ chú trọng nhiều hơn vào việc hoàn thiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các đơn hàng… muốn kịp tiến độ buộc các doanh nghiệp phải tìm thêm nhân lực để tăng năng suất lao động. Ngoài ra, những dịp lễ lớn như Noel, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán… cũng đòi hỏi doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, thường vào cuối năm, nhu cầu đổi việc của lao động cũng cao hơn, để bù đắp lượng thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp cũng buộc phải tăng tuyển dụng lao động trong thời điểm này để phục vụ kế hoạch mở rộng, sản xuất, kinh doanh cuối năm.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phản ánh, việc tuyển dụng lao động cũng khá khó khăn. Các doanh nghiệp nằm càng xa thành phố, trung tâm kinh tế lớn thì càng khó tuyển lao động vì không thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại cho người lao động. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu hơn sẽ thua thiệt hơn trong quá trình cạnh tranh thu hút nguồn lao động; các doanh nghiệp buộc tìm đến nhiều “kênh” tuyển dụng khác nhau nhưng hiệu quả cũng không cao.

Để thu hút tuyển dụng được nguồn nhân lực, bà Đinh Thị Hồng Duyên, Chuyên gia tư vấn về Quản trị doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng các chính sách hấp dẫn hơn về tiền lương, thu nhập, các chế độ khác đối với lao động… Bên cạnh đó, về lâu dài, nên chủ động làm việc với các trường đại học, đặt hàng nguồn nhân lực mình mong muốn. Doanh nghiệp cũng phải có những chương trình đào tạo riêng theo nhu cầu thực tế của mình.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, còn phải lưu ý đến hiệu quả truyền thông trong tuyển dụng. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP. Hồ Chí Minh đề xuất, các cơ quan hữu quan cần có sự chia sẻ nguồn dữ liệu về cung – cầu lao động để trung tâm kịp thời tư vấn, hỗ trợ kết nối lao động với người tuyển dụng.

Theo Giang Hương/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email