Tiếp tục chịu áp lực về mặt chỉ số, VN-Index ghi nhận sự rung lắc, giảm điểm dưới mốc tham chiếu do nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 điều chỉnh ngay từ đầu phiên. Tuy nhiên, sự phân hóa vẫn được thể hiện với hơn 200 mã tăng giá và lực cầu chủ yếu tìm đến nhóm cổ phiếu truyền thông, xây dựng.
Thanh khoản của thị trường tính đến 13 giờ 30 phút đạt xấp xỉ 10 nghìn tỷ, trong đó 57% là thanh khoản mua chủ động cho thấy dòng tiền vẫn đang tích cực tham gia thị trường mặc dù không có quá nhiều chuyển biến tốt về mặt điểm số chung.
Với việc thanh khoản bán chủ động vẫn tiếp tục gia tăng trên các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VHM đã khiến cho VN-Index không thể duy trì được sắc xanh.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,88 điểm tương đương với 0,27% xuống 1.075,17 điểm. Giao dịch tích cực hơn VN-Index, HNX-Index đóng cửa tại 222,81 điểm, tăng 1,48 điểm.
Về góc nhìn kỹ thuật, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index tiếp tục tạo nến hammer nhờ lực cầu về cuối phiên giúp thu hẹp đà giảm. Xét về khung đồ thị ngày, VN-Index liên tục rung lắc khi tiếp cận lại vùng kháng cự 1.080 điểm, cũng là nơi giao cắt với đường trung bình động MA200.
Với việc chỉ báo MA20 đang hướng lên cùng với sự mở rộng lên trên của dải Bollinger band cho thấy xu hướng chung của thị trường trong ngắn hạn vẫn sẽ tiến đến vùng điểm 1.080 – 1.100 điểm. Tuy nhiên, việc suy yếu và tạo đỉnh của 2 chỉ báo MACD và RSI tại khung đồ thị giờ cũng thể hiện thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa, tăng giảm đan xen trong quá trình đi lên.
Ở góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, thị trường mở cửa khá thận trọng với mức tăng nhẹ sau phiên ATO. Dù các cổ phiếu midcap và penny vẫn thể hiện sự tích cực thì nhóm VN30 lại có tới hơn 50% số mã cổ phiếu giao dịch dưới tham chiếu; khiến VN-Index dao động với sắc đỏ trong cả phiên sáng.
Tới phiên chiều, lực bán tiếp tục mạnh hơn kéo chỉ số có lúc giảm về 1.071 điểm trước khi có hồi phục nhẹ ở cuối phiên. Những mã gây mất điểm nhiều nhất cho chỉ số chung là VHM, VCB, VIC, MSN, VRE.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục tăng mạnh với 25 mã tăng trần chỉ tính riêng trên HoSE, là điểm sáng của thị trường. Những cái tên nổi bật trong phiên như QCG, EVG, DXS, DRH, LGL, CRE, TDH, ITA, LSS, GIL…
Thanh khoản trên HoSE tăng vọt lên 15.809,22 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước. Khối ngoại bán ròng 441,74 tỷ đồng.
Về kỹ thuật, BOS cho rằng, VN-Index đóng cửa giảm điểm nhẹ với volume cao cho thấy áp lực bán lớn trong phiên nhưng bên mua vẫn đủ sức hấp thụ, qua đó duy trì giá đóng cửa nằm trên ngưỡng hỗ trợ của MA5. Xu hướng được dự báo tích lũy trong biên hẹp 1.070-1.080 điểm trước khi hướng tới các ngưỡng cao hơn. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì nắm giữ danh mục.
Hệ thống đánh giá và phân loại trạng thái diễn biến của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) thì ghi nhận thị trường trong phiên giao dịch 31/05/2023 tương ứng với diễn biến tăng giá. Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index ghi nhận duy trì diễn biến hồi phục và gia tăng với kịch bản khả năng cao vượt vùng kháng cự 1.085 – 1.095 điểm, hướng tới vùng kháng cự tiếp theo tại 1.125 – 1.135 điểm.
Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng với diễn biến điều chỉnh nhẹ trở lại về hỗ trợ 1.065 điểm của đường EMA 20 ngày trong bối cảnh áp lực bán đang gia tăng và một số chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu cảnh báo phân kỳ âm.