Categories Bất động sản

Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang tìm cách thoát hàng

Sau một thời gian dài “vật lộn” với thị trường và gánh gồng với những khoản nợ vay, hiện nhiều nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng bất động sản đang tìm cách “thoát hàng” càng nhanh càng tốt, thậm chí nhiều người phải bán cắt lỗ để thu hồi vốn.

Từng được xem là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng từ cuối năm 2018 đầu 2019 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng khi nguồn cung chạm đáy thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Chưa dừng lại, đầu năm 2020 thị trường tiếp tục hứng chịu thêm một đòn chí mạng khi dịch Covid-19 hoành hành, khiến toàn bộ các sự kiện liên quan đến thị trường bất động sản đều bị hoãn lịch, nhiều trung tâm môi giới, sàn giao dịch đóng cửa vì không có khách, giao dịch chủ yếu từ các dự án cũ nhưng cũng rất ít giao dịch thành công.

Điều này khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu nản chí, lo “kẹt” hàng và không ra hàng được. Hiện không ít nhà đầu tư đang tìm cách bán tháo sản phẩm vốn đã ôm từ năm ngoái. Một số nhà đầu tư còn cho rằng, tình hình thị trường sẽ còn tiếp tục khó khăn đến hết năm 2020 nên đang tìm cách bán cắt lỗ thu hồi vốn để trả các khoản nợ vay ngân hàng đến kỳ đáo hạn.

Theo anh Quang Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản tại quận 1, hiện anh đang còn “kẹt” lại căn hộ tại quận 2 và một sản phẩm nhà phố cũng tại quận 2 mà muốn bán cho nhanh nhưng chưa bán được. Tình hình ảm đạm, cộng thêm dịch bệnh đâu còn mấy ai có tâm trí quan tâm đến đất đai, nhà cửa nữa.

Nhiều người nhận định rằng, thị trường bất động sản vẫn sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng tới.

“Đến giờ này thì tôi chấp nhận bán ra bằng với giá vốn đã mua hoặc lỗ một chút không sao, quan trọng là thu hồi vốn về rồi tính tiếp” – anh Tuấn chia sẻ thêm.

Ông Thanh Quý, ngụ Bàu Cát, Q. Tân Bình, TP.HCM chia sẻ, tháng 6/2019, ông có mua 2 lô đất tại Long Thành, Đồng Nai với giá gần 6 tỷ đồng, ông nghĩ cuối năm là thời điểm giao dịch tốt, đến lúc đó ông mới bán, tuy nhiên thị trường ảm đạm, sợ giữ lâu càng khó nên ông rao bán mấy tháng nay nhưng rao mãi vẫn không thấy ai hỏi mua. Ông Quý cho biết, ông cần phải bán bằng được 1 trong 2 lô đất này để trả nợ ngân hàng và người thân vì không thể gánh nổi lãi suất ngày càng phình to.

Còn bà Thu Thủy, nhà đầu tư ngụ tại Phú Nhuận cho biết, tháng 8/2019, nghe theo lời người quen “lướt sóng” đất nền tại Bình Phước, bà mua 2 lô đất, mỗi lô 150m2 tại TX. Đồng Xoài với giá gần 1,9 tỷ đồng. Đến thời điểm này, làm ăn kinh doanh khó khăn, bà định bán hết 2 lô đất để thu tiền về nhưng rao bán từ hôm ra Tết đến giờ mà bà vẫn chưa bán lại được lô nào dù đã giảm gần 400 triệu đồng.

1
Nhiều nhà đầu tư đang bán cắt lỗ để thu hồi vốn.

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc ở quận 3 cho biết, từ hôm ra Tết đến nay dù nhân viên sale cố gắng chào bán các sản phẩm cũ nhưng công ty không ghi nhận giao dịch mới nào. Thậm chí, nhiều nhân viên kinh doanh phải dùng phương án gọi điện, nhắn tin liên tục đến các khách hàng cũ “cầu cứu” nhưng hầu hết khách hàng đều từ chối gặp mặt do lo ngại nhiễm dịch Covid-19. Trong khi đó, để bảo đảm công ty vẫn hoạt động bình thường thì các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải gồng gánh nhiều khoản chi phí như tiền lương, tiền mặt bằng, chi phí điện nước… và rất nhiều những khoản chi phí khác nên vô cùng khó khăn.

Theo lãnh đạo một công ty môi giới bất động sản tại quận 7, phần nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận cắt lỗ để nhanh chóng ra hàng do áp lực tài chính. Những nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính vẫn có thể cầm cự, đợi thị trường hồi phục. Khó khăn chỉ thực sự diễn ra với nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng trước áp lực lãi suất có thể nuốt chửng khoản đầu tư. Ngay cả khi thị trường hồi phục, nhà đầu tư bán được giá cũng chưa chắc đủ bù lại khoản lãi phát sinh. Vậy nên càng để lâu nhà đầu tư càng lỗ nặng và giải pháp hiện nay là chấp nhận lỗ để ra hàng.

Theo các chuyên gia bất động sản, những nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng gặp khó khăn nhiều nhất khi buộc phải bán lỗ “xả hàng” trước áp lực nợ lãi. Tuy nhiên, khi giá đất nền giảm, người mua sẽ chưa vội xuống tiền vì có tâm lý chờ giá xuống nữa, trong khi đó căn hộ chung cư thì giá đã lên tới “nóc”. Hơn nữa, động thái siết tín dụng của các ngân hàng vẫn chưa kết thúc, mà lộ trình sẽ giảm tiếp 40% – 37% – 34% – 30%, đồng thời tăng hệ số rủi ro với kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này khiến cho việc vay vốn của cả doanh nghiệp và cá nhân đều khó khăn hơn.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở TP.HCM, nhiều người nhận định rằng, thị trường bất động sản vẫn sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng tới.

Theo Tấn Lợi/ Người tiêu dùng