Categories Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản dự định mở rộng kinh doanh ở Việt Nam

54,3% doanh nghiệp Nhật Bản có lãi trong năm 2021 và 56,2% các doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022 ở Việt Nam có “Cải thiện” so với năm 2021, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO).

JETRO – Văn phòng đại diện tại Hà Nội ngày 19/1 họp báo công bố kết quả “Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương năm tài chính 2021.

Đây là cuộc khảo sát thường niên lần thứ 35 mà JETRO thực hiện. Khảo sát lần này thực hiện từ ngày 25/8/2021 đến ngày 24/9/2021, trùng với khoảng thời gian Việt Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả trả lời của các doanh nghiệp.

nhieu doanh nghiep nhat ban du dinh mo rong kinh doanh o viet nam

Phản hồi từ 4.635 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có 702 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam tham gia khảo sát cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc phục hồi của các doanh nghiệp chậm hơn so với các nước khác. Tại khu vực miền Nam và miền Trung, có hơn 40% các doanh nghiệp trả lời lợi nhuận kinh doanh “Suy giảm” do tỷ lệ vận hành giảm.

Tuy nhiên, có 31,4% số doanh nghiệp Nhật đang đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trả lời lợi nhuận kinh doanh “Cải thiện”, tăng 13,6 điểm so với khảo sát năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ các doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2021 là 54,3% (tăng 4,7 điểm so với năm 2020). Trong ngành chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp dự báo có lãi là 57,5% (tăng 6.7 điểm so với năm trước); ngành phi chế tạo là 51,5% (tăng 3,3 điểm).

Có 28,6% doanh nghiệp cho biết bị lỗ trong năm 2021 (vẫn giảm 1,5 điểm so với năm 2020). Khảo sát này cho biết thêm, tại khu vực châu Á và châu Đại Dương, tỷ lệ các doanh nghiệp có lãi trong năm 2021 phục hồi theo hình chữ V còn ở Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên đà phục hồi nhỏ hơn.

Nhìn vào dự báo lợi nhuận kinh doanh theo ngành nghề của Việt Nam, thì tỷ lệ doanh nghiệp có lãi trong ngành chế tạo là 57,5% và trong ngành phi chế tạo là 51,5%, đều tăng so với năm 2021 6,7 điểm và 3,3 điểm.

Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022 so với năm 2021, có 56,2% các doanh nghiệp được khảo sát trả lời là “Cải thiện”, trong khi chỉ 9,6% dự báo “Suy giảm”. Hơn 50% doanh nghiệp ngành chế tạo và phi chế tạo kỳ vọng lợi nhuận sẽ cải thiện nhưng cũng có 10% doanh nghiệp trong ngành chế tạo dự báo triển vọng xấu đi.

Triển vọng thuận lợi nhưng khó khăn vẫn nhiều

Khảo sát cho thấy, 55,3% các doanh nghiệp có dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới (tăng 8,5 điểm so với năm trước). Trong số 20 quốc gia trong chương trình khảo sát của JETRO, đây là mức đứng đầu ASEAN và chỉ sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.

Theo ông Takeo Nakajima – Trưởng Văn phòng Đại diện tại Hà Nội của JETRO, những kết quả chính từ cuộc khảo sát cho thấy, lợi thế môi trường đầu tư, khả năng thị trường, tiềm năng phát triển, tình hình chính trị, xã hội ổn định, chất lượng nguồn nhân lực tốt… vẫn là những điểm nổi bật của Việt Nam so với các quốc gia ASEAN khác.

Với việc Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã quyết định sẽ có một chương trình phục hồi kinh tế, cùng với tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam cao là điều kiện quan trọng để Việt Nam mở cửa trở lại, thích nghi với trạng thái bình thường mới. Điều này mang lại nhiều kỳ vọng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, năm 2022 cũng được dự báo vẫn sẽ tiếp tục khó khăn do đại dịch còn khó lường. Việc mở cửa thực sự không chỉ ở phía Việt Nam mà còn phụ thuộc vào nhiều quốc gia khác, theo ông Takeo Nakajima.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chia sẻ một số vấn đề quan ngại khác, từ nguy cơ thiếu hụt nhân công và tiền lương tăng cao, đến các thủ tục hành chính còn phức tạp; từ nguy cơ về sự thiếu thống nhất giữa các địa phương trong đối phó với dịch bệnh, đến việc vin visa và giấy phép lao động còn khó khăn và phức tạp…

Trong khi đó, tuy lạm phát trong nước đang được kiểm soát ở mức thấp nhưng áp lực lạm phát còn lớn, các doanh nghiệp quan ngại việc giá nhiên liệu, nguyên liệu, tiền lương, giá lương thực thực phẩm… tăng sẽ tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất.

Khảo sát của JETRO cũng cho thấy, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đã chuyển dây chuyền sản xuất từ nước khác về Việt Nam để mở rộng sản xuất tại đây. Tuy nhiên vẫn có 2,2% số doanh nghiệp cho biết sẽ thu nhỏ sản xuất hoặc chuyển sang nước thứ 3.

Theo Lê Đỗ/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email