Doanh nghiệp đề xuất phân biệt các cụm từ “hàng hóa Việt Nam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam” thay vì được tự do lựa chọn như dự thảo thông tư của Bộ Công Thương.
Ngày 27/9, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc gắn nhãn hàng hóa còn liên quan đến thương hiệu quốc gia.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, nếu không quy định nghiêm cách xác định và thể hiện xuất xứ hàng hóa thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, uy tín quốc gia và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Vừa qua, dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam gặp nhiều ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp.
Bên cạnh thắc mắc về 3 cách xác định xuất xứ Việt Nam và tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng 30% như tại hội thảo diễn ra ở Hà Nội, một số doanh nghiệp phía Nam còn đặt vấn đề về cách thể hiện khi đã xác định là hàng hóa Việt Nam.
Theo dự thảo, có 10 cách ghi thể hiện sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, bao gồm: sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất, chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo, chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác.
Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk VNM+0.08% cho rằng ngôn ngữ trong những cách ghi này khác nhau hoàn toàn về mặt bản chất, không thể để tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng như trong thông tư.
Trước đề nghị quy định cụ thể cách ghi của vị này, ông Trần Thanh Hải cho biết sẽ tiếp thu để hoàn thiện văn bản.
Có mặt tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Intel cũng chia sẻ khó khăn khi đầu tư chi phí và nguồn lực lớn cho các hoạt động sản xuất tại Việt Nam, nhưng chiếu theo các quy định trong thông tư lại không đủ tiêu chuẩn là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Đáp lại, ông Trần Thanh Hải cho biết sẽ xem xét tính đến tiêu chí về mức độ đầu tư cho ngành hàng công nghệ cao. Tuy nhiên ông cũng chia sẻ, trên thế giới chưa từng có quy định như vậy.
Trước luồng ý kiến trái chiều của các doanh nghiệp, đại diện VCCI tại TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương thận trọng hơn trong quá trình hoàn thiện thông tư. “Chúng ta không nên vì áp lực dư luận mà đưa ra các điều luật để thỏa mãn hay xoa dịu, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nền sản xuất”, vị này chia sẻ.
Dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, ông Trần Thanh Hải khẳng định Bộ Công Thương không muốn chỉ vì 1-2 doanh nghiệp vướng mắc mà ban hành một quy định áp dụng lên tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ đã xin ý kiến Thủ tướng và các Bộ, ngành cách đây một năm, từ đó tiến hành tiếp thu ý kiến và soạn thảo văn bản trong thời gian dài.
Hiện tại, dự thảo Thông tư đang được đăng tải trên website Bộ Công Thương để xin ý kiến rộng rãi.
Theo Lan Anh/Zing.vn