Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình cho biết việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của Nhà máy nước sông Đà không đúng quy định. Sở yêu cầu công ty khẩn trương thu gom, xử lý cát nhiễm dầu.
Ngày 16/10, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Hòa Bình Nguyễn Trần Anh đã ký báo cáo gửi UBND tỉnh về tình hình xử lý dầu thải đổ trộm ở đầu nguồn nước sông Đà.
Chôn lấp cát lẫn dầu thải không đúng quy định
Theo Sở TN-MT, ngày 9/10, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh – Phúc Tiến – Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Sở TN-MT Hòa Bình, Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) cùng UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Phúc Tiến, PC05 Công an tỉnh Hòa Bình sau đó đã kiểm tra hiện trường.
Thời điểm phát hiện sự việc, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà – đơn vị vận hành nhà máy nước sạch Sông Đà – đã kiểm tra, phát hiện có váng dầu tại suối Bằng. Khi kiểm tra ngược theo dòng suối, đơn vị thấy trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm.
Từ đỉnh dốc (điểm có dầu) đến điểm chảy xuống suối khoảng 150 m. Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh.
Công ty nước sông Đà đã thông báo tới công an xã Phúc Tiến, công an huyện Kỳ Sơn ngay trong chiều 9/10.
Sau đó, Công ty nước sạch sông Đà rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu; khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ dính dầu.
Khối lượng thu gom khoảng 100 lít dầu, nước dính dầu; 7 bao tải có dính dầu khoảng 60 kg được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại của nhà máy; khoảng 3-4 m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt dứa, trên mặt phủ đất.
Theo Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của Nhà máy nước sông Đà không đúng quy định; yêu cầu công ty khẩn trương thu gom; xử lý cát nhiễm dầu đã chôn lấp trong khuôn viên nhà máy.
Rải 1 tấn than hoạt tính để xử lý hệ thống
Ngày 11/10, đoàn kiểm tra Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Y tế Hà Nội lấy mẫu nước tại trạm bơm Tây Mỗ, bể chứa trung gian tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) và tại nhà máy nước Sông Đà (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình). Việc làm này đến nay vẫn chưa có kết quả phân tích.
Ba ngày sau, liên ngành gồm Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường); Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình cùng các ban ngành liên quan đã kiểm tra thực tế, vị trí đổ thải trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh – Phúc Tiến – Phú Minh vẫn còn mùi khét của dầu thải; có cát đổ trên đường; khu vực sườn dốc xuống suối Trầm còn cát đổ lẫn dầu thải chưa được thu gom khoảng 2-3 m3.
Tại suối Bằng (cách điểm đổ dầu khoảng 2,5 km), điểm xả thải sau hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy nước sông Đà có màu đen. Theo báo cáo của công ty, đơn vị này sử dụng than hoạt tính trong hệ thống xử lý và rải 1 tấn than hoạt tính tại suối tiếp nhận nước thải của nhà máy.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà có phát hiện việc này từ sáng 8/10 nhưng không có bất cứ báo cáo nào của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng như TP Hà Nội.
Công ty này cũng không có bất kỳ hành vi nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định dẫn đến váng dầu này chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy đến hệ thống phân phối đến người dân các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Theo Anh Thư/Zing.vn