Categories Doanh nghiệp

Nhà đầu tư cẩn trọng với thương vụ M&A mới

Một nghiên cứu mới đây của Công ty PwC cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động ở quy mô chưa từng có đối với nền kinh tế thế giới, khiến tình hình M&A thay đổi nhanh chóng và làm nảy sinh những cân nhắc mới về thương vụ mà các bên liên quan cần lưu ý.

Theo báo cáo của Mergermarket, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại khu vực Đông Nam Á bắt đầu có sự suy giảm từ đầu năm 2020 và đang có sự chững lại trong quý II khi một số quốc gia phải phong tỏa lại vì bùng phát dịch Covid-19. Đến nay mới chỉ có 63 giao dịch và chỉ đạt 3,8 tỷ USD. Trong đó, dược phẩm, y tế và công nghệ sinh học, bất động sản là những ngành đứng đầu.

Hiện, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai trong khu vực với tổng vốn đầu tư trong nước là 872 triệu USD, phần lớn được thúc đẩy bởi khoản đầu tư 651 triệu USD của Vinhomes nhận được từ tập đoàn KKR, đây cũng là thương vụ đầu tư lớn thứ hai cho đến nay. Ngoài ra, vốn đầu tư tư nhân bắt đầu tăng trong quý II, lên đến 1,3 tỷ USD. Hầu hết các khoản đầu tư này đều hướng đến lĩnh vực bất động sản với trị giá 1,1 tỷ USD cho 3 giao dịch. Dự báo, giao dịch M&A trong nửa cuối năm nay có thể vẫn bị giảm vì các công ty dự kiến sẽ giữ lại lượng tiền mặt cao hơn trên bảng cân đối kế toán của họ để đối mặt với điều kiện kinh tế còn nhiều bất ổn.

Việt Nam là quốc gia được biết đến như một môi trường đầu tư an toàn, ổn định

Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian qua một số thương vụ M&A mặc dù đã được đàm phán đến giai đoạn cuối nhưng đã bị tạm hoãn, thậm chí bên mua muốn xem xét lại mức định giá, vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang gây khó khăn về mặt tài chính cho công ty của họ. Ngoài ra, một số đầu mối bên mua có tập đoàn mẹ ở chính quốc, thay đổi về chiến lược sau đại dịch, hoặc bản thân doanh nghiệp cũng đang gặp khó trong huy động tiền và không muốn đầu tư dàn trải như chiến lược đã đặt ra.

Một nghiên cứu mới đây của Công ty PwC cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động ở quy mô chưa từng có đối với nền kinh tế thế giới, khiến tình hình M&A thay đổi nhanh chóng và làm nảy sinh những cân nhắc mới về thương vụ mà các bên liên quan cần lưu ý.

Cú sốc toàn cầu khi đại dịch bùng phát đã khiến các doanh nghiệp gác lại các khoản đầu tư lớn, song song với đó, những biện pháp kiểm soát được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đã góp phần “đóng băng” các hoạt động thương vụ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, nhu cầu thoái vốn và cân đối lại tài chính ở nhiều doanh nghiệp sẽ mở ra các cơ hội mới. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp có khả năng thực hiện thương vụ trong bối cảnh đầy biến động có thể phát triển vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Khi các công ty, quỹ đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại chiến lược và danh mục đầu tư, nhu cầu thị trường sẽ quay trở lại, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp muốn cắt giảm đầu tư ngoài ngành để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Các nhà đầu tư có nguồn vốn vững chắc sẽ có lợi thế khi nhanh nhạy nắm bắt thị trường ở thời điểm này. Tuy nhiên, tác động của đại dịch lên thị trường thương vụ sẽ gắn với các đặc thù riêng của các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh doanh, và tình hình của từng quốc gia. Từ cả hai phía bên mua và bên bán cần nhận thức rằng những quan điểm truyền thống về thị trường giờ đây có thể không còn thích hợp trong trạng thái bình thường mới.

Ở một góc độ khác, kết quả từ Khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu CFO Pulse Survey do PwC thực hiện vào tháng 6/2020 vừa qua cho thấy quan điểm của các DN về M&A vẫn ở mức ổn định với 85% lãnh đạo tài chính cho biết các công ty không thay đổi chiến lược M&A dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Nhận định về vấn đề này, ông Ong Tiong Hooi, Phó tổng giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thương vụ – Thẩm định giá giao dịch của PwC Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia được biết đến như một môi trường đầu tư an toàn, ổn định từ trước khi đại dịch xảy ra và ngay cả trong giai đoạn đại dịch đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Đây sẽ là vị thế thuận lợi cho những tiến triển tích cực ở thị trường M&A giai đoạn hậu Covid-19, và nhu cầu là rất tiềm năng đối với các hoạt động giao dịch này. Ở thời điểm hiện tại, không ngạc nhiên khi thấy các công ty trong nước đang nắm thế chủ động ở vai trò người mua. Với triển vọng kinh tế Việt Nam có dấu hiệu hồi phục, cùng với hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, giai đoạn 6  – 12 tháng tiếp theo sẽ có nhiều chuyển biến đáng kể khi doanh nghiệp dần ổn định trong trạng thái bình thường mới.

Theo Tuyết Anh/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email