Nguy cơ “khủng hoảng” thiếu việc từ quý 2/2020 vì dịch bệnh

Kịch bản được Bộ LĐTB&XH đưa ra: Nếu diễn biến dịch COVID-19 có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính quý 2 năm nay có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp (DN) mất việc làm. Nếu dịch bùng phát mạnh hơn, sẽ có từ 350.000 – 400.000 lao động mất việc làm và khoảng 2 – 3 triệu lao động có nguy cơ ngừng việc.

Do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, trong quý I/2020, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước quý I/2020 ước tính là 2,02%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,57%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 2,22%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,73%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (dưới 24 tuổi) quý I/2020 ước tính là 7,01%, trong đó khu vực thành thị là 9,91%; khu vực nông thôn là 5,77%.

Bên cạnh đó, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2020 ước tính là 2%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,97%; khu vực nông thôn là 2,52% (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2019 tương ứng là 1,17%; 0,6%; 1,45%).

Nhu cầu nhân lực
Nhu cầu nhân lực quý 1/2020 tại TP.HCM

Tại TP.HCM, Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP.HCM (FALMI) cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu nhân lực 3 tháng đầu năm giảm (27,3%) so với cùng kỳ năm 2019 ở nhiều ngành, nghề như giáo dục, vận tải, dịch vụ lưu trú, du lịch, dệt may – giày da. Kết quả khảo sát nhanh 163 DN cho thấy tỷ lệ DN trả lời cho người lao động (NLĐ) làm việc bình thường là 77,3%, 8,6% DN giảm giờ làm, 7,4% DN không tăng ca và 6,7% DN thiếu việc làm.

Cũng theo FALMI, có 25,15% DN được khảo sát dự kiến cắt giảm lao động trong thời gian tới khi tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh tiếp tục bị tác động do tình hình dịch bệnh. Hình thức cắt giảm lao động chủ yếu là giảm giờ làm việc (46,34%), tạm thời cho NLĐ nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương (19,5%), tạm thời cho NLĐ nghỉ việc có hỗ trợ tiền lương (29,16%) và cho NLĐ thôi việc (5%).

Về tình hình dự báo nhân lực trong quý 2/2020, theo FALMI, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài cũng như thiếu hụt nguồn nguyên – vật liệu sản xuất và khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, một số DN tạm dừng kế hoạch tuyển dụng lao động cho việc mở rộng quy mô sản xuất. Dự kiến nhu cầu nhân lực quý II/2020 cần khoảng 47.000 chỗ làm việc (giảm 37,33%) so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm khoảng 81%, trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 19,50%, cao đẳng chiếm 18,21%, trung cấp chiếm 19,58%, sơ cấp chiếm 23,71%.

“Đối với các lĩnh vực, ngành liên quan đến hoạt động dịch vụ, phục vụ nhỏ lẻ trong công nghiệp, thương mại, nông nghiệp (sửa chữa, xây dựng, dịch vụ mùa vụ, vệ sinh môi trường, chế biến…) sẽ có khả năng phát triển theo hướng việc làm ngắn hạn tạm thời cho những việc làm đang bị cắt giảm ở những hoạt động lớn”, FALMI dự báo.

Còn theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã có tới 153.000 người mất việc hoặc xin nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Hàng triệu lao động ngừng việc trong các ngành như dệt may, da giày, du lịch vận tải, lưu trú, ăn uống… Dự kiến có thêm hàng trăm nghìn lao động mất việc làm làm tuỳ thuộc vào mức độ bùng phát của dịch bệnh.

Hình thức cắt giảm việc làm
Các hình thức cắt giảm lao động của DN trong quý 1/2020

Người lao động cần được hỗ trợ ngay và luôn

Theo các chuyên gia về lao động và việc làm, chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp gia tăng, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ việc làm và thu nhập cho người lao động là hết sức cấp thiết.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, “Tôi nghe nói ở TP.HCM, UBND thành phố này đã có quyết định hỗ trợ mỗi người lao động 1 triệu đồng. Đây là một cách làm rất hay, phải đưa tiền tận tay cho người dân. Hiện tại, rất nhiều người lao động đang mất việc làm, cuộc sống như treo trên sợi chỉ vậy, rất cần các chính sách hỗ trợ thiết thực trong thời điểm này”.

Được biết, mới nhất Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 đã đưa ra gói an sinh xã hội lên tới 2,6 tỉ USD với nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nghèo, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch. Theo đó, dự thảo nêu rõ về nguyên tắc sẽ hỗ trợ tập trung cho các đối tượng bị giảm sút thu nhập, mất thiếu việc làm không đảm bảo được mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch. Nhà nước và DN chia sẻ để cùng đảm bảo mức sống cho người lao động.

Việc hỗ trợ phải được thực hiện công khai minh bạch, không để lợi dụng và trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, trước diễn biến của dịch Covid-19, Bộ LĐTB&XH đã đề nghị Cục Việc làm hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến để kết nối cung, cầu lao động. Yêu cầu, Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố giao Trung tâm Dịch vụ việc làm thông báo cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) ngay sau khi Chính phủ cho phép.

Theo Thuận Lê/Chất lượng&cuộc sống