Categories Doanh nghiệp

Nguy cơ bị truy thu thuế từ 2015, doanh nghiệp thủy sản cần đối thoại

Hàng chế biến bị áp là hàng sơ chế khiến doanh nghiệp thuỷ sản không được hưởng ưu đãi thuế TNDN, có nguy cơ bị truy thu thuế từ năm 2015 đến nay.

Nguy cơ bị truy thu thuế từ 2015, doanh nghiệp thủy sản cần đối thoại
Ảnh minh họa.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa đề nghị Tổng cục Thuế có buổi làm việc với VASEP về vấn đề này trong tháng 8/2020.
Cụ thể, các mặt hàng được xem là sơ chế sẽ bị áp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lên đến 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của doanh nghiệp là các sản phẩm đã qua chế biến chỉ chịu mức thuế 10% (điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn) hoặc là 15% theo Khoản 5 Điều 11 và Khoản 1 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.
Khác cách nhìn về hàng “sơ chế” và “chế biến”
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp hội viên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp thủy sản đã gặp vướng mắc về thuế TNDN cho ngành chế biến thủy sản liên quan đến quy định và việc thực thi Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 theo hướng mà đa số mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu lại bị áp sang là hàng “sơ chế”, khiến các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN.
Điều này gây nhiều bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản.
“Việc Tổng cục Thuế áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% cho hàng thuỷ sản chế biến là không phù hợp và gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và không phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển nông-thủy sản của Nhà nước”, ông Hòe nhấn mạnh.
Đồng thuận về vấn đề này với VASEP, ngày 2/7/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản số 4476/BNN-TCTS gửi Bộ Tài chính đề nghị xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản “chế biến” và “sơ chế”.
Theo lập luận của ông Hòe, các nậu vựa tôm thường làm các công đoạn sơ chế như bóc đầu tôm trước khi cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy thuỷ sản, sau đó nguyên liệu này sẽ đi qua các khâu chế biến của nhà máy thì tất nhiên phải được gọi là hoạt động chế biến, nếu không lại đánh đồng các nậu vựa tôm và các nhà máy chế biến.
VASEP kiến nghị Tổng cục Thuế phải xem hoạt động của các nhà máy thuỷ sản đông lạnh là chế biến mới hợp lý, từ đó mới giải tỏa được các bức xúc và những trở ngại hiện nay của doanh nghiệp.
Theo ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty STAPIMEX, thuật ngữ sơ chế trong ngành thủy sản được hiểu là chỉ làm một số công đoạn như bóc đầu, bóc vỏ sau đó đưa vào các nhà máy chế biến tiếp. Tại nhà máy các công nhân sẽ làm tiếp các công đoạn như chiên, luộc, lăn bột, tẩm ướp… đóng gói xuất khẩu, các nhà nhập khẩu đưa các sản phẩm này vào siêu thị bán cho người tiêu dùng mua về nấu chín là ăn được như vậy không thể gọi là sơ chế, và không doanh nghiệp nào làm sơ chế ở các nhà máy đông lạnh trị giá hàng tỷ đồng.
Giả sử con tôm bị truy thu thuế thì con cá tra và tất cả các sản phẩm hải sản xuất khẩu đều phải truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu không các doanh nghiệp tôm phản ứng ngành thuế sẽ rất khó trả lời, vì có 90% sản phẩm cá tra làm phi lê và qua rất ít công đoạn chế biến. Đó là chưa nói con tôm, con cá tra đều nằm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Trung nghèo, và hiện nay các doanh nghiệp thuỷ sản đang khó khăn do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
“Các nhà máy chế biến đang nhận các công nhân ở các khu công nghiệp Bình Dương, Biên Hòa bị mất việc về quê xin vào các nhà máy chế biến thủy sản để kiếm sống. Trong giai đoạn khó khăn này ngành thuế không hỗ trợ cho doanh nghiệp thì thôi xin đừng gây khó khăn. Mới đây tôi có nghe cục thuế tỉnh nọ đòi truy thu thuế trong khi doanh nghiệp khai báo thuế đầy đủ”, ông Phẩm cho biết.
Cần có buổi đối thoại
Yêu cầu có buổi đối thoại giữa cơ quan thuế đặt ra, nhằm thực hiện tốt chủ trương khuyến khích phát triển nông-thủy sản của Nhà nước, giúp việc hiểu và áp dụng thống nhất quy định ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp thuỷ sản đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Trước khi có đối thoại cụ thể, VASEP kiến nghị Tổng cục Thuế xem xét đối với doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) và có nhà máy chế biến thủy sản được ưu đãi thuế TNDN theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ bằng cách sửa đổi lại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư 26/2015/TT-BTC.
Vấn đề này đã xảy ra từ năm 2015 nhưng câu chuyện bắt đầu nóng lên từ khi Cục thuế Cà Mau yêu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh điều chỉnh lại mức thuế TNDN từ năm 2015 đến nay, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất nặng nề lên ngành thủy sản xuất khẩu khiến doanh nghiệp thật sự bức xúc.
Ông Hòe cho biết thêm, VASEP vừa gửi công văn đề nghị Tổng Cục thuế cho phép các doanh nghiệp thủy sản được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với mặt hàng thủy sản chế biến, và đề nghị Tổng cục Thuế tổ chức buổi họp với các doanh nghiệp thủy sản để trao đổi về các vướng mắc, bất cập về chính sách thuế TNDN hiện hành đối với hoạt động chế biến thủy sản cũng như có thể làm rõ hơn đề xuất kể trên.
Thời gian buổi làm việc có thể linh động trong tháng 8/2020 theo lịch của lãnh đạo Tổng cục Thuế.

Theo QUANG TRÍ/BizLIVE 

Print Friendly, PDF & Email