Người bệnh “tố” Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn “tắc trách”

“Tưởng đâu tôi được chọn phương pháp điều trị đúng đắn tại bệnh viện. Nào ngờ, chỉ một căn bệnh mà tôi phải điều trị nhiều nơi khiến tiền bạc, công việc bị ảnh hưởng, gián đoạn. Thậm chí, người thân phải chăm sóc tốn khá nhiều thời gian…” – ông Lã Thanh H. (quận 6, TP.HCM) bức xúc vì cho rằng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã “tắc trách” khiến thời gian điều trị của ông kéo dài, gây nhiều hệ lụy…

Một căn bệnh, hai nơi chữa khác nhau

Trước đó, rạng sáng 11/9, ông H. bị một chiếc ô tô tông thẳng vào người khi đang đứng cạnh vỉa hè. Cú đâm mạnh khiến ông H. bị thương nặng ở chân không thể đi lại được. Ngay sau đó, ông được người dân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn ở 125 Lê Lợi, Q.1, TP.HCM để điều trị.

Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ điều trị chẩn đoán ông bị gãy đầu trên xương chày, tràn dịch khớp, gãy kín mâm chày ngoài chân trái, tụ máu khớp gối trái. Với tình trạng như thế, bệnh viện nói “sẽ bó bột”.

“Thấy vết thương nặng, tôi lo lắng và yêu cầu xin được chuyển đến bệnh viện có chuyên môn để được điều trị đúng chuyên khoa nhưng không được chấp thuận. Đồng thời, bác sĩ điều trị cũng nhiều lần trấn an về tình hình bệnh khiến tôi an tâm, nhưng không hề được tư vấn về phương pháp điều trị nào hiệu quả” – ông H. kể.

Vài ngày sau, bệnh nhân được đưa đi bó bột toàn chân, đùi và xuất viện, kèm theo phiếu hẹn 5 ngày tái khám. Sau khi xuất viện ông H. mang hồ sơ đến xin điều trị phục hồi chức năng tại một bệnh viện có chuyên môn. Tuy nhiên, sau khi xem hồ sơ bệnh bác sĩ tại đơn vị này yêu cầu ông này phải khám để phẫu thuật điều trị vì tình trạng chấn thương này không thể bó bột.

Đến ngày 21/9, thấy vết thương đau nhức, vì lo lắng cho sức khỏe của mình nên ông H. tiếp tục đến khám tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Tại đây, một lần nữa ông tá hỏa khi bác sĩ yêu cầu phải nhập viện điều trị, tiến hành phẫu thuật, nẹp vis vì vết thương nặng không thể để nguyên vậy bó bột. Chính vì vậy, ông phải một lần nữa nằm viện, tốn khá nhiều chi phí điều trị và thời gian chữa bệnh.

“Tôi khá an tâm với quyết định của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn vì nghĩ đây là bệnh viện ở trung tâm có nhiều bác sĩ giỏi. Nhưng bây giờ tôi phải điều trị lại từ đầu vừa tốn kém mà lại mất khá nhiều thời gian của tôi và người thân phải bỏ thời gian chăm sóc tôi” – ông H. nói.

Tại người bệnh không đến tái khám?!

Chiều 8/10, trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng về khiếu nại của người bệnh, BS. CKII Nguyễn Đức Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết sẽ kiểm tra lại sự việc. Đồng thời, qua sự việc này ban giám đốc cũng đã nhắc nhở các bác sĩ trong vấn đề giải thích cho bệnh nhân khi lựa chọn phương án điều trị để bệnh nhân hiểu rõ tình trạng bệnh của mình và hợp tác điều trị một cách tốt nhất.

Ông Vũ cũng nói rằng phác đồ điều trị của ông H. có đánh giá về các chỉ định phẫu thuật khác thì bệnh nhân không có biến chứng mạch máu, thần kinh, di lệch tại ổ gãy ít, do vậy bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình ưu tiên điều trị bảo tồn để tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có khả năng di lệch thứ phát. Bác sĩ cũng đã hẹn bệnh nhân tái khám để chụp lại phim XQuang để phát hiện. Nếu có di lệch thứ phát thì sẽ tiến hành phẫu thuật vào thời điểm hết phản ứng viêm tại ổ khớp sẽ cho tiên lượng tốt hơn….

Bệnh viện cũng cho rằng, bệnh nhân H. đã không tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Nếu bệnh nhân tái khám theo đúng lịch đã hẹn thì phía bệnh viện cũng sẽ có chỉ định phẫu thuật tương tự như Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cũng nêu lý do không chấp thuận yêu cầu chuyển viện vì nhận định: “Bệnh nhân có tình trạng cấp cứu nên không thể tiến hành chuyển viện theo yêu cầu”. Chuyển bệnh viện tuyến trên chỉ được áp dụng đối với bệnh khó, bệnh nằm ngoài khả năng điều trị, bệnh đòi hỏi công nghệ cao không được cấp phép tiến hành tại bệnh viện. Điều trị gãy kín mâm chày cả về điều trị bảo tồn lẫn điều trị phẫu thuật đều nằm trong danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế TP.HCM đã cấp phép cho Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn triển khai, do vậy việc chuyển tuyến là hoàn toàn không có cơ sở và trái với quy định khám chữa bệnh hiện hành do Bộ Y tế ban ra.

Bệnh viện này cũng khẳng định, đơn vị không hề “tắc trách”bởi về mặt quy chế chuyên môn, các bác sĩ đã làm việc trách nhiệm và hoàn toàn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật cũng như phác đồ điều trị. Do có tình trạng phù nề, tụ máu vùng khớp gối (T) do tổn thương phần mềm rộng nên các bác sĩ đã lựa chọn phương thức điều trị bảo tồn đánh giá lại sau 5 ngày nhưng bệnh nhân không thể tái khám để các bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh.

Bệnh nhân sau khi được bó bột tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.

Theo Cao Tuấn/ Người tiêu dùng