Categories Thị trường

Ngày Boxing Day buồn của be Group và tương lai startup Việt

Hôm 26/12 là ngày tặng quà Boxing Day, nhưng nhân viên của be Group không nhận được phần quà nào từ công ty, thay vào đó là các quyết định nghỉ việc. Tình trạng ảm đạm của be trong hai tháng qua là báo hiệu không tốt cho tương lai của các startup công nghệ Việt trong năm mới 2020?

Tài xế beBike náo nức trong ngày hội của be Group tổ chức cuối tháng 8/2019 tại Hà Nội. Nhưng sau đó gần hai tháng là các cuộc bãi công của tài xế xe máy và xe hơi, dẹp bỏ beFood và beFinancial, sa thải đến 70% nhân sự… (Ảnh: NDT)

Sa thải ngày Boxing Day

Có tin nói 40% nhân viên be Group bị nghỉ việc, có nơi ghi 50%, nhưng có báo đăng con số “hết hồn” đến 2/3. Điều này có nghĩa là gần 70% nhân sự của be ra đi sau từ nhiệm của CEO Nguyễn Thanh Hải trước đó!

Đại diện truyền thông be Group vẫn ca bài cũ “tái cấu trúc” để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi – vận chuyển hành khách và giao nhận thư tín, nhưng mạng xã hội truyền miệng và giới chuyên gia nhấn mạnh “be Group toang rồi!”

Hình ảnh đồng phục sọc xanh đen chen lẫn sọc vàng của be trên đường phố trong suốt một năm qua gây thiện cảm với khách hàng bởi nhà sáng lập Nguyễn Thanh Hải luôn nhấn mạnh đây là “startup gọi xe thuần Việt”. Nhưng những phát ngôn không chạy kịp lời nói của nhà sáng lập đã phủ trùm tương lai của be Group.

Ra đời tháng 12/2018, trong sáu tháng đầu tiên, be Group đã lớn nhanh mạnh để giành vị trí số hai với 16% thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam: xếp sau Grab (73% thị trường) và đứng trên Go-Viet (10%) – theo ABI Research. So với đàn anh Go-Viet và FastGo thì thành tích đó là phi thường khi be không thèm gọi vốn, không có sự góp sức của nhà đầu tư nước ngoài để bảo đảm là thương hiệu “thuần Việt”.

Tuy nhiên, cái giá be trả cũng không rẻ.

Tháng 5 vừa rồi, be tuyên bố sẽ thực hiện dịch vụ đặt đồ ăn beFood, chuẩn bị cho dự án tài chính beFinancial. Chưa đầy sáu tháng sau, beFood “phá sản” khi các nhân viên chủ chốt của dự án bị sa thải. Dịch vụ beFinancial để đấu với các ví điện tử trên thị trường, nhưng với kế hoạch “tái cấu trúc” mới mà đại diện truyền thông be tránh nhắc tới cũng xem như “đã toang”!

Các nhà phân tích nói be hoãn dịch vụ beFood vô thời hạn bởi mảng gọi xe đang đốt tiền và vượt quá mức kiểm soát. Theo ABI Research, be đã chi 75 triệu USD để có được 31 triệu cuốc xe trong sáu tháng đầu năm 2019, tức mỗi chuyến xe hãng mất 2,5 USD. Con số này bỏ xa mức 1,4 USD/cuốc của Go-Viet và 1-1,1 USD/cuốc của các hãng khác. “Đấu trường đẫm máu” đã khiến be Group “đứt chến” – hết tiền. Cách đây nhiều tháng, các chuyên gia cho rằng nếu không sớm châm tiếp vốn, tương lai của be rất khó nói trước.

“Thị trường cạnh tranh luôn là thách thức đối với các ứng dụng gọi xe” – Jeffrey Funk, nhà tư vấn công nghệ độc lập đồng thời là cựu phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định. Ông cũng nói rằng khi có những kẻ thất bại đã ra đi trước đó thì các hãng còn lại có cơ hội kiếm tiền. “Nhưng thật không dễ dàng cho các dịch vụ giao nhận đồ ăn có thể trở thành ‘con bò sữa’ kiếm tiền cho các công ty khởi nghiệp”.

Dịch vụ giao đồ ăn được đánh giá là thị trường hái ra tiền, “nhưng giới thiệu một dịch vụ mới không dễ dàng như trước bởi đã có nhiều đối thủ đã lớn mạnh trong mỗi dịch vụ trong các năm qua”, tờ Nikkei Asian Review trích dẫn ý kiến của nhà tư vấn Funk.

AseanUnicorns
Danh sách 14 unicorn – startup đạt giá trị trên 1 tỷ USD – ở các nước Đông Nam Á

Con đường phía trước

Đó là một câu hỏi khó trả lời cho cả be và các startup công nghệ và tài chính (fintech) khác bởi đó là thị trường khắc nghiệt, một số nhà phân tích bi quan hơn nói là “đẫm máu”. Mà cũng đúng, “mạnh vì thóc, bạo vì tiền” – nhưng thành ngữ này cần phải hiểu là sự nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, chọn thị trường ngách làm thế mạnh và quyết định đầu tư khôn ngoan, khi nào tiến khi nào lùi để bảo toàn lực lượng và đồng vốn.

Tính đến tháng 9/2019, Đông Nam Á có 14 kỳ lân – startup có giá trị trên 1 tỷ USD: Singapore có bảy, Indonesia góp năm, Việt Nam và Philippines góp mỗi nước một.

Các kỳ lân này đã trải qua giai đoạn dài từ 10 năm đến hơn 15 năm để có được tầm vóc hiện nay. Và hầu như kỳ lân nào cũng trải qua giai đoạn trầy trật, “đốt tiền như công tử Bạc Liêu” hoặc hơn thế nữa.

Nhìn chung, các kỳ lân của mỗi nước dù hoạt động trong cùng một lĩnh vực thì cũng ráng tìm ra thế mạnh riêng, thị trường ngách của mình.

Chẳng hạn ở mảng thương mại điện tử, Singapore có đến ba kỳ lân, nhưng mỗi con vật linh đều có “vũ khí riêng”. Sea có thương hiệu e-commerce Shoppee cùng mảng trò chơi và thanh toán điện tử. Lazada là trang thương mại điện tử chứa đựng đầy đủ các loại hàng hóa. Và Zilinguo thì trở thành sàn thời trang điện tử.

Indonesia cũng có hai kỳ lân trong mảng thương mại điện tử. Tokopedia thì trực tuyến là chính, còn Bukalapak thì lấn sang mảng thanh toán điện tử và ngoại tuyến sau khi đã mạnh trực tuyến.

Tức là ai cũng lo chiếm lĩnh và giữ rịt thị trường ngách là thế mạnh của mình, không dại mà đem đốt tiền mình để rạng nhà hàng xóm.

Câu chuyện của các con kỳ lân Đông Nam Á trả lời cho câu hỏi về con đường phía trước của startup Việt!

Theo Ricky Hồ/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email