Không nằm ngoài xu thế chung, dịch Covid-19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến cho sản xuất và xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp (DN) thủy sản đang thực hiện nhiều giải pháp để cầm cự, chờ cơ hội thị trường.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu thủy sản, ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020.
“Diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình XK chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. DN chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi, sẽ có không ít DN, nhất là những DN nhỏ không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì, để quay vòng kinh doanh. Do vậy, DN thủy sản đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhằm giảm bớt áp lực và khó khăn”, ông Hòe dự báo.
Xuất khẩu sụt giảm mạnh ở nhiều thị trường trọng điểm
Số liệu của VASEP cho thấy, ước tính XK thủy sản trong tháng 3 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 549 triệu USD. Trong đó, XK sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh, chẳng hạn: XK sang EU giảm sâu nhất (40%), sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%. Riêng với thị trường Mỹ, XK giảm ít hơn các thị trường khác (8,6%) nhờ sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ.
Như vậy, tính đến hết tháng 3/2020, XK thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với quý I/2019. Trong đó, XK cá tra giảm mạnh nhất (31%), chủ yếu do XK sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm nay giảm mạnh; XK tôm giảm nhẹ 4,3%; trong khi XK các mặt hàng hải sản khác giảm sâu như: Cá ngừ giảm 13,5%; mực, bạch tuộc giảm 28%…
Nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản giảm sâu được lý giải là do dịch Covid-19 bùng phát. Theo khảo sát của VASEP, tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký của các doanh nghiệp thủy sản hiện chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%). Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng nhiều là châu Âu (phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng), Hàn Quốc và Trung Quốc. Các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Nga… cũng có đơn hàng bị hoãn và hủy nhưng không nhiều so với các thị trường trên.
Tình hình xuất khẩu giảm khiến giá cả các mặt hàng thủy sản trong nước cũng giảm mạnh. Hiện tại, giá tôm, cá tra nguyên liệu ở khu vực ĐB sông Cửu Long đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá thu hoạch sớm, một số DN tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm (bị hoãn, hủy, không có đơn hàng mới), kho lạnh để trữ hàng bị đầy và thiếu… “Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại, nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này”, VASEP cảnh báo.
Cầm cự được đến bao giờ?
Theo khảo sát, hiện nhiều DN hải sản chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì công ăn việc làm cho công nhân, vì đơn hàng xuất khẩu bị giảm đáng kể hoặc bị hủy.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường, một DN chuyên về xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh cho hay: Trước đây, những tháng cao điểm công ty xuất khẩu 30 container còn bình thường cũng khoảng 15 container. Tuy nhiên, 2 tháng qua, mỗi tháng công ty chỉ xuất được 5 container. Còn so với cùng kỳ, sản lượng hàng xuất khẩu chỉ bằng 40%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thị trường xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp. Cả 2 thị trường lớn nhất của DN là EU và Hàn Quốc hiện gần như bị đóng băng hoàn toàn.
Ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (Casep Cà Mau) cho biết, tỉnh có trên 12 DN XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông, Đài Loan) với giá trị 108,07 triệu USD, chiếm tỷ trọng trên 9% trong tổng kim ngạch XK toàn tỉnh. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, qua rà soát tình hình hoạt động của các DN XK sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác gặp nhiều khó khăn như: Bị hủy các đơn hàng do các nước thực hiện biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh dẫn đến các DN gặp khó khăn về tài chính, tồn kho hàng hóa… dẫn đến việc giảm sản lượng thu mua nguyên liệu tôm, ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm, nhất là giá thành giảm.
Đại diện nhiều DN thủy sản khác thì cho biết, không chỉ bị hoãn, hủy đơn hàng, hiện nay do các hãng tàu biển thu hẹp lượng tàu (các tàu thường ăn hàng tại các cảng Trung Quốc) và bỏ chuyến. Do đó, hành trình của tàu về Việt Nam hoặc đi từ Việt Nam sang các nước khác (kể cả đi Mỹ hay EU…) bị kéo dài, đã ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch giao hàng và làm tăng đáng kể chi phí của DN. Bên cạnh đó, do lệnh phong tỏa của nhiều nước, một số nước không cấp được chứng từ gốc (như H/C gốc, C/O gốc …) nên nhiều khi các container hàng nguyên liệu đã về cảng nhưng DN không đưa được hàng về. Quá trình xuất khẩu hàng sang các nước cũng bị ảnh hưởng tương tự vì nguyên nhân chứng từ gốc đến chậm hơn các container hàng…
Ngoài ra, cũng do Covid-19, DN thu hồi tiền hàng từ khách hàng rất chậm. Vì vậy, DN không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng. Thiếu kho lạnh trầm trọng khiến các DN không thể thu mua được nguồn nguyên liệu, dự trữ được nguồn hàng lớn để chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại.
Trước những khó khăn trên, mới đây VASEP và các DN ngành thủy sản đã có một số kiến nghị lên Chính phủ về những giải pháp giúp ngành vượt qua khó khăn. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc xin cho phép nộp chậm thuế doanh nghiệp 2019 đến hết 2020 và không tính lãi nộp chậm. Thuế VAT hoãn cho các doanh nghiệp trong năm 2020 và không tính lãi nộp chậm… Ngoài ra, các DN cũng xin hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trước năm 2020, cụ thể hạ 4 – 5% đối với VNĐ và 2 – 3% đối với USD. Đề xuất ngân hàng có chính sách cho DN giãn nợ đến hạn trong năm 2020 (với thời gian trả chậm được phép tối thiểu là 3 – 6 tháng) mà không tính lãi suất chậm trả nợ và đề xuất giảm giá điện, nước 30% trong năm 2020.
Theo An Nhiên/Chất lượng&cuộc sống