Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu trong nước nửa cuối năm sẽ yếu do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt các biện pháp kiểm soát dịch siết chặt hơn được áp dụng cùng ảnh hưởng của tính thời vụ tại khi bước vào mùa mưa. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất khẩu càng đóng vai trò quan trọng.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đã xác lập những kỷ lục về doanh thu lợi nhuận sau khi hưởng lợi về giá và nhu cầu thị trường tăng.
Như CTCP Thép Nam Kim (NKG) quý II/2021 với lãi ròng gần 848 tỷ đồng, gấp gần 49 lần cùng kỳ năm trước. Với kết quả lãi ròng 1,166 tỷ đồng sau 6 tháng kinh doanh, cao gấp 20 lần so với 6 tháng đầu năm 2020, NKG đã vượt 94% kế hoạch năm 2021.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cũng ghi nhận doanh thu 6 tháng đạt hơn 5.952 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2020. Khấu trừ giá vốn, công ty thu về lãi gộp 682,5 tỷ đồng, cao gấp 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp cũng cải thiện mạnh từ con số 2,5% (quý II/2020) lên 11,5% trong quý II/2021. Khấu trừ chi phí, lãi sau thuế của SMC đạt 532 tỷ đồng, cao gấp gần 13 lần so với cùng kỳ.
Hay như với CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý III niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/4/2021 đến 30/6/2021) cho thấy sản lượng tiêu thụ ước đạt 615,4 nghìn tấn, doanh thu ước đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 56%, 90%, 435% so với cùng kỳ niên độ tài chính 2019-2020 và 13%, 20%, 64% so quý II vừa qua. Lũy kế 9 tháng niên độ tài chính 2020-2021, sản lượng tiêu thụ của HSG ước đạt gần 1,7 triệu tấn, doanh thu ước đạt 32,9 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 3,37 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 54%, 72%, 381% so với cùng kỳ niên độ trước.
Tập đoàn Hòa Phát cũng cho thấy kết quả kinh doanh khá khả quan với lũy kế 6 tháng, sản xuất hơn 4 triệu tấn thép thô, tăng 55% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 4,3 triệu tấn. SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế của HPG đạt mức cao kỷ lục mới là 9,7 nghìn tỷ đồng trong quý II/2021, tăng 50%. CTCP Kim Khí Thành phố Hồ Chí Minh (HMC) cũng có một năm đột biến với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 2.247,636 tỷ đồng, tăng 35,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thế thu nhập doanh nghiệp đạt 120,762 tỷ đồng tăng 7,45 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu trong nước nửa cuối năm sẽ yếu do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt các biện pháp kiểm soát dịch siết chặt hơn được áp dụng cùng ảnh hưởng của tính thời vụ tại khi bước vào mùa mưa.
Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất khẩu càng đóng vai trò quan trọng. Trước đó xuất khẩu đã chiếm 56% tổng sản lượng tiêu thụ trong quý II/2021, trong khi chỉ chiếm 33% trong quý II/2020.
Sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu đi cùng chu kỳ giá tăng cao là một trong những tác nhân chính thúc đẩy toàn ngành tiếp tục đà tăng trưởng. Dự báo, 6 tháng cuối năm, nhu cầu thép tại châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn.
Chưa kể, các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ Việt Nam còn được hưởng lợi từ việc EU sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm 3 năm nữa chủ yếu nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, chênh lệch giá thép giữa châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng, đồng nghĩa với mức biên lợi nhuận tốt cho các nhà xuất khẩu nội địa.
Vì thế, báo cáo mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sự tăng trưởng từ xuất khẩu sẽ đủ để bù đắp cho sự giảm nhiệt của thị trường nội địa.
Hiện nhiều nhà sản xuất tôn mạ lớn đã nhận đủ đơn hàng sản xuất cho đến tháng 11. Trong số đó, HSG và NKG nhiều khả năng sẽ chạy hết công suất các nhà máy trong 6 tháng cuối năm. Đại diện HSG cho biết xuất khẩu của HSG đang tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tại các thị trường đang có nhu cầu cao về tôn mạ như Bắc Mỹ và châu Âu với sản lượng xuất khẩu trung bình trên 120 nghìn tấn/tháng. HSG tự tin lợi nhuận sau thuế niên độ tài chính 2020-2021 sẽ vượt 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phân tích của CTCK Bản Việt (BVSC) cho biết đà tăng của cả giá quặng sắt và thép dẫn đến cơ hội mở rộng biên lợi nhuận cho các nhà sản xuất thép Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng xu hướng này sẽ giảm trong nửa cuối năm 2021. BVSC lưu ý chênh lệch giá giữa nguyên liệu đầu vào (HRC) và đầu ra (tôn mạ) của các công ty tôn mạ (HSG và NKG) mỏng hơn nhiều so với chênh lệch giá giữa quặng sắt và thép xây dựng (thép thanh vằn và dây cuộn), điều này sẽ làm tăng nguy cơ làm giảm biên lợi nhuận khi hàng tồn kho HRC chi phí thấp dần hết và chi phí đầu vào bắt kịp so với giá sản phẩm hoặc giá sản phẩm giảm.
“Biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép vì thế sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2021 từ mức cao trong 6 tháng đầu năm 2021, chủ yếu là do kịch bản đầu tiên khi áp lực giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao và giá bán trên toàn chuỗi cung ứng điều chỉnh vào năm 2022”, BVSC dự báo.
Theo Hoa Hạ/Thời báo Ngân hàng