Sau khi các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan có hiệu lực, mía đường Việt Nam đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, ngành đường vẫn còn đối diện với những khó khăn khác.
Đứng trước những khó khăn lao đao của ngành mía đường, đầu tháng 2/2021, Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô.
Đây được xem là giải pháp giúp ngành mía đường trong nước hồi phục, nhưng theo các chuyên gia, nếu không kiểm soát đường nhập lậu tốt thì vẫn sẽ không tránh khỏi những tổn thương trong năm 2021…
Cũng theo Bộ Công thương thì thị trường mía đường trong nước đã có một số dấu hiệu tích cực chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, như: Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 – 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020; giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50 nghìn – 100 nghìn đồng/tấn (giá mua trung bình hiện tại dao động khoảng 950 nghìn – 1 triệu đồng/tấn).
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, việc áp thuế phòng vệ thương mại là sự can thiệp kịp thời là chiếc phao cứu sinh trong hoàn cảnh “thập tử nhất sinh” của ngành đường Việt Nam. Tuy nhiên, do đã bị thiệt hại quá nặng nề nên việc phục hồi sẽ còn rất nhiều gian truân, trở ngại, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lộc nhìn nhận ở khía cạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ngành mía vẫn chưa thực sự bền vững.
“Tình trạng tranh mua nguyên liệu mía vẫn xảy ra trong những năm gần đây. Tuy nhiên, năm nay tình trạng càng trầm trọng vì sản lượng mía quá thấp, thiệt hại mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu là nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp, tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây tại các vùng sản xuất mía. Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu quan hệ giữa nông dân trồng mía và một số nhà máy vững chắc thì tình trạng này ít hơn”, ông Lộc cho biết.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), dự báo, niên vụ 2020-2021, tiếp tục sẽ thiếu hụt nguồn cung mía nguyên liệu cho các nhà máy. Hiện tại, chỉ còn 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, tổng lượng mía Việt Nam chỉ đạt 5.290.000 tấn mía, tương đương 530.000 tấn đường. Tại thời điểm này, giá đường nội địa Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực.
Như vậy, khó khăn của ngành mía đường chưa hết. Nhu cầu đường nguyên liệu tăng lên cũng dẫn đến hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp mía đường, giữa doanh nghiệp với thương lái. Phòng vệ thương mại do đó chỉ giải quyết được phần nào những khó khăn của ngành mía đường.
Theo các chuyên gia thì để phát triển bền vững, vẫn cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân, xây dựng được vùng nguyên liệu mía chất lượng, bền vững; đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Bảo Phương/Chất lượng&cuộc sống