Ngành đường và kỳ vọng phục hồi

Sau khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64% (ngày 15/6/2021), lượng đường nhập khẩu giảm và giá đường tăng mạnh, đạt đỉnh vào tháng 10/2021.

Mặc dù từ đầu năm 2022 đến nay, giá đường có giảm nhưng vẫn đang ở mức cao trong vòng 5 năm qua. Nhờ đó, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành đường trong niên vụ 2021-2022 (năm tài chính của nhiều doanh nghiệp bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau) đã khởi sắc trở lại.

Chẳng hạn, báo cáo hợp nhất năm tài chính 2021 của CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (SBT) ghi nhận lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 818 tỷ đồng, tăng 167 tỷ đồng, tương đương tăng 27% so với cùng kỳ. Báo cáo riêng lẻ cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế cả niên độ đạt 400 tỷ đồng, tăng 112 tỷ đồng, tương đương tăng 25,5% so với niên độ trước.

Kết quả kinh doanh nói trên có được chủ yếu đến từ hoạt động chính của công ty. Theo đó, doanh thu của SBT đạt 18.325 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, nhờ vào việc công ty xây dựng các chính sách bán hàng hiệu quả, mở rộng thị phần cũng như tập trung triển khai nâng cao các hoạt động sản xuất, gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh lõi.

nganh duong va ky vong phuc hoi
Ảnh minh họa.

Với CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS), báo cáo niên độ tài chính 2021-2022 cũng ghi nhận doanh thu đạt 2.042,31 tỷ đồng, tăng 11% so với niên độ trước. Đặc biệt, giá bán tăng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng cung cấp dịch vụ của LSS tăng 28,9% đạt 211 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 95,5% so với cùng kỳ năm 2021 lên 44,7 tỷ đồng. Giai đoạn từ 1/7/2021 đến 30/6/2022 doanh thu từ sản phẩm đường và sản phẩm thu hồi của LSS chiếm tỷ trọng 91% tổng doanh thu bán hàng hợp nhất.

CTCP Mía đường Sơn La (SLS) cũng ghi nhận doanh thu niên độ 2021-2022 đạt hơn 868,97 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận cũng tăng nhẹ, cùng với việc tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí tài chính đã giúp lợi nhuận sau thuế của SLS đạt gần 187,64 tỷ đồng, cao hơn 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp ngành đường kinh doanh không như kỳ vọng. Mía đường Kon Tum (KST) là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm có doanh thu giảm 29% chỉ còn 176,4 tỷ đồng cho niên độ tài chính 2021-2022, nhưng biên lợi nhuận gộp cả niên độ của KTS cải thiện từ mức 11,2% lên 15,8% đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng 40,1% lên hơn 8 tỷ đồng.

Hay như CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS), trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận gộp mảng đường của doanh nghiệp này đều giảm. Cụ thể với mảng kinh doanh này doanh thu chỉ bằng 97%, lợi nhuận gộp bằng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng 842 tỷ đồng và 108,277 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 20% tổng doanh thu và gần 10% lợi nhuận của QNS.

Đầu tháng 8/2022 Bộ Công Thương Việt Nam đã ban hành Quyết định 1514/QĐ-BCT áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 47,64% đối với đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có nguồn gốc nguyên liệu của Thái Lan. Chính sách này được áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026, gieo thêm kỳ vọng phục hồi cho ngành mía đường Việt Nam sau một thời gian dài chịu sức ép lớn từ đường bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại.

Hiện giá đường thế giới tháng 8/2022 vẫn đang ở mức 18,5 USD/lb, tăng 0,99% so với tháng trước. Đường trắng Việt Nam chính thức được giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa ICE từ 23/4/2021, giúp tăng cơ hội tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao tại thị trường thế giới.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Như SBT hiện tại, sở hữu 66.000 ha vùng nguyên liệu tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, mục tiêu đến 2025 công ty mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000 ha, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu lên gần 90.000 ha, hướng đến mục tiêu tổng sản lượng đạt 2 triệu tấn đường, doanh thu đạt 1,5 tỷ USD vào niên độ 2024-2025. Bên cạnh đó là lợi thế thị phần đáp ứng hơn 40% nhu cầu nội địa và định hướng phát triển đường Oganic.

Với QNS dù mảng đường tăng trưởng hạn chế song lại đang đứng đầu cả nước về mảng sữa đậu nành. Thời gian tới, công ty sẽ tăng cường công tác quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh các dự án như dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày, dự án Nhà máy Điện sinh khối An Khê, dự án Dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE có công suất 1.000 tấn đường/ngày nhằm tăng doanh thu.

Trong khi đó LSS bị hạn chế bởi việc mở rộng vùng nguyên liệu khi diện tích trồng mía bị thu hẹp, kế hoạch đưa mía xuống vùng thấp cần thời gian. Song, công ty cho biết đã có sự chuẩn bị thích ứng kịp thời như nhập khẩu đường thô đưa vào luyện đảm bảo tăng trưởng ổn định; Đồng thời chuyển đổi sản phẩm có ưu thế là thực phẩm đồ uống (nước dinh dưỡng tế bào mía, sữa gạo), chế biến nông sản (lúa gạo).

Với sự chuyển đổi căn bản, cơ cấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường quản trị điều hành, tăng cường khả năng cạnh tranh… LSS kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Hoa Hạ/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email