Ngành dệt may tăng tốc

Hiện nay hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may đã mở cửa trở lại, giúp các doanh nghiệp nối lại các đơn hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu đang tận dụng tốt các ưu đãi của các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường và gia tăng giá trị.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp ngành dệt may đều đã khôi phục sản xuất và tăng trưởng mạnh. Tình hình đã ổn định do dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đơn hàng đầy tải, thậm chí có nhiều đơn vị đã ký kết đơn hàng đến quý III/2022. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đây là thời điểm các doanh nghiệp trong ngành phải tận dụng lợi thế tăng tốc sản xuất để chạm đích quý II/2022.

Đánh giá của VITAS cho thấy, hiện nay hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may đã mở cửa trở lại, giúp các doanh nghiệp nối lại các đơn hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu đang tận dụng tốt các ưu đãi của các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường và gia tăng giá trị.

nganh det may tang toc
Ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất

Trong tháng 4/2022, xuất khẩu nhóm hàng dệt may tiếp tục tăng 3,3% so với tháng 3/2022 và tăng 28,2% so với tháng 4/2021, đạt trên 3,15 tỷ USD. Cộng chung cả 4 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt trên 11,83 tỷ USD, chiếm 9,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước. Riêng nửa đầu tháng 5/2022, theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, dệt may vẫn là một trong những ngành đạt kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất khi tăng 2,32 tỷ USD, tương ứng tăng 21,4%. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với thị trường trong bối cảnh mới.

Ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến chia sẻ, mặc dù tình hình thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng và đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay Việt Tiến đã ký kết với nhiều đối tác cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Trong quý I/2022, doanh thu của Việt Tiến vẫn tăng 10%. Hiện tại, khi thị trường các nước trên thế giới mở cửa trở lại là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh việc ký kết các đơn hàng và tăng tốc để đạt được mục tiêu đề ra cho quý II/2022 và đạt mục tiêu đề ra năm 2022 là tổng doanh thu 6.500 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng; Thu nhập bình quân của người lao động là 11 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hồ Lê Hùng, Tổng Giám đốc Hanosimex chia sẻ, trải qua 2021 với nhiều khó khăn, Hanosimex đã vượt khó và tăng trưởng ổn định. Từ đầu năm đến nay các đơn hàng của công ty luôn duy trì và sản lượng sản xuất cũng tăng so với cùng kỳ. Theo đó, sản lượng sản xuất quý I/2022 bằng 6,2 lần so với cùng kỳ. Để đạt được kế hoạch đặt ra trong năm 2022 thì đây là thời điểm doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh việc tìm kiếm đơn hàng, gia tăng sản xuất, đồng thời có những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc đổi mới công nghệ…

Cũng như vậy, bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, mặc dù năm 2021 trải qua sản xuất không thuận lợi, các đơn hàng có đơn giá thấp, giá gia công giảm tới 20 – 40% nhưng May Hưng Yên đã nỗ lực vượt qua khó khăn khi đạt và vượt các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản. Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2022, doanh nghiệp cần phải tận dụng tốt những ưu đãi từ các FTA thế hệ mới. Theo đó, tổng công ty đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó dành 190 tỷ để đầu tư, bao gồm đổi mới thiết bị công nghệ; xây dựng lại nhà kho 5 tầng và nhà xưởng mới nhằm đảm bảo chất lượng cũng như những tiêu chí mà các FTA quy định.

Nhận định về tình hình thị trường, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, hiện hai ngành sợi và may có sự tăng trưởng cao trong quý I/2022 so với cùng kỳ là vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, trong khi các đơn hàng đã được ký từ năm 2021. Với ngành sợi, các đơn vị vẫn tận dụng tốt cơ hội từ thị trường, giá bông tốt vì có sự tích trữ từ năm 2021. Với ngành may, tình hình lao động ổn định do dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, đơn hàng đầy tải, thậm chí có nhiều đơn vị đã ký kết đơn hàng đến quý III/2022. Trong thời gian tới thị trường sẽ có nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt quý II và quý III sẽ có nhiều tình huống bất định, do đó công tác dự báo, theo dõi sát thị trường cần phải sát sao hơn nữa để có những điều chỉnh linh hoạt. Các doanh nghiệp cần chủ động trong việc mở rộng thị trường cũng như nâng cao chất lượng để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.

Theo Nguyễn Minh/Thời báo Ngân hàng