Các thị trường xuất khẩu chính nới lỏng chính sách giãn cách xã hội sẽ tạo cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam nửa cuối năm 2020.
Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm nay, dệt may là một trong những ngành sản xuất chịu tác động nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, sản xuất dệt may nửa đầu năm chỉ tăng chưa tới 3%, bằng 1/3 so với cùng kỳ ngoái. Sản xuất trang phục giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu; đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán; ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn hàng trong tháng 5 và giá sản phẩm giảm khoảng 20%.
Nhu cầu trên toàn thế giới với hàng may mặc và các sản phẩm thời trang cũng giảm đáng kể, nhất là ở các quốc gia như Mỹ và Liên minh Châu Âu. Những yếu tố này đã khiến các doanh nghiệp trong ngành lâm vào tình trạng khó khăn, người lao động giảm thu nhập và có nguy cơ mất việc làm.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Ngành dệt may Việt Nam chịu áp lực cức kỳ lớn của đại dịch Covid-19, hàng loạt nhà máy phải kiểm soát chặt chẽ, tạo áp lực rất lớn, không có đơn hàng truyền thống nữa. Sau khi đại dịch lan tỏa toàn cầu, phần cung thiếu hụt lại càng trầm trọng hơn. Các doanh nghiệp dệt may đã tìm giải pháp để thay đổi và giữ được người lao động trong bối cảnh dịch bệnh”.
Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đại diện Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp dệt may đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh.
Đến cuối quý II năm nay, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần, đây là cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020./.