Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt: Rào cản và kỳ vọng

Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán Việt đang đứng trước khả năng được Morgan Stanley Capital International (MSCI) nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Sau những lỡ hẹn, khả năng năng hạng đã đủ và điều gì sẽ thay đổi nếu thành công đến trong năm nay?

nang hang thi truong chung khoan viet rao can va ky vong
Ảnh minh họa

Với khoảng 2.000 mã cổ phiếu cùng nhiều sản phẩm chứng khoán phái sinh và chứng chỉ quỹ, có thể nói giờ đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một “cơ ngơi” vững chắc và đồ sộ.

Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng gấp 4000 lần so với thời điểm năm 2000. Các doanh nghiệp niêm yết cũng đã huy động thành công hơn 320 nghìn tỷ đồng trong năm 2019, và vẫn huy động thành công hơn 100 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Xét về vai trò, thị trường chứng khoán trong tương quan với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là quan trọng hơn rất nhiều so với năm 2000. Thị trường đã phát triển ổn định và đóng vai trò quan trọng trong việc huy động và thoái vốn của các doanh nghiệp tư nhân cũng như nhà nước.

Tỷ lệ vốn hóa thị trường chứng khoán/GDP của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 đạt 104% so với chỉ khoảng 0,3% GDP năm 2000. Vốn hóa thị trường trái phiếu cũng đạt 39% GDP vào năm 2019.

Rõ ràng, thị trường chứng khoán đã trở thành một chỗ dựa đáng tin cậy để các doanh nghiệp huy động và thoái vốn thông qua các sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng. Cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân ngày càng nhiều khi được tiếp xúc với những loại hình sản phẩm tài chính mới mẻ như hợp đồng kỳ hạn hay hợp đồng tương thông qua thị trường chứng khoán.

Những nút thắt còn lại

So với “rổ” MSCI Frontier Markets (thị trường cận biên), thị trường chứng khoán Việt Nam đang chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 với 13%, chỉ sau thị trường chứng khoán Kuwait. Nếu MSCI nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt, tỷ trọng này có thể tăng 7% lên 20% ngay trong thời gian ngắn.

Trong nửa đầu năm 2020, MSCI đã quyết định không nâng hạng thị trường Việt Nam từ cận biên lên mới nổi mặc dù sau khi Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, theo đó việc không có trung tâm thanh toán bù trừ riêng cho mỗi sàn giao dịch sẽ không còn là vấn đề của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc có một trung tâm thanh toán bù trừ riêng biệt sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như hoàn thành các tiêu chí còn thiếu của MSCI để sớm được nâng hạng. Vậy, còn những vấn đề tồn đọng nào đang ngăn cản MSCI nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam?

Thứ Nhất, dù quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt xa các thị trường chứng khoán khác trong rổ thị trường cận biên của MSCI, các công ty niêm yết vẫn chưa thật sự minh bạch trong khâu kiểm toán và công bố thông tin, dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về rủi ro khi đầu tư vào các công ty trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Thứ hai, dù đã có thêm những sản phẩm tài chính mới, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thiếu sự đa dạng trong các loại hình sản phẩm phái sinh, dẫn đến việc các nhà đầu tư nước ngoài thiếu hứng thú với thị trường chứng khoán Việt Nam vì có quá ít kênh đầu tư.

Thứ ba, quá trình cổ phần hóa và niêm yết doanh nghiệp lên sàn chứng khoán diễn ra quá chậm chạp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước.

Những lý do kể trên có thể là những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị MSCI ngó lơ dù đã có những bước tiến thần tốc.

Triển vọng nếu được nâng hạng

Các nhà đầu tư từ những quốc gia phát triển vẫn thường cho rằng thị trường chứng khoán cận biên thiếu minh bạch và có quá nhiều rủi ro dẫn đến tâm lý lo sợ khi rót vốn vào những thị trường này.

Có thể thấy rất rõ khi giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang là rất nhỏ so với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực nói chung, cũng như các thị trường chứng khoán khác trên thế giới nói riêng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ có 1 quỹ đầu tư có giá trị tài sản ròng trên 1 tỷ USD là quỹ VEIL (Vietnam Enterprise Investments Limited) của Dragon Capital. Chính vì vậy, việc nâng hạng sẽ khẳng định vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế cũng như giúp thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng còn rất nhiều công ty tiềm năng đủ điều kiện niêm yết sàn chứng khoán.

Sàn UPCoM vốn được coi là sân chơi của những “công ty hạng bét” nhưng cũng đang có đến 7 công ty có vốn hóa xấp xỉ hoặc trên 1 tỷ USD như ACV (Airports Corporation of Vietnam) của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, hay VGI (Viettel Global) của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel…

Những công ty nói trên được dự đoán sau khi niêm yết sẽ là tâm điểm của dòng vốn ngoại, hứa hẹn giúp vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng lên nhiều lần.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng hứa hẹn đón nhiều công ty startup trong tương lai, do Việt Nam đang có tầm nhìn trở thành một quốc gia khởi nghiệp của khu vực.

Có thể thấy rõ điều này khi các startup Việt Nam thu hút đến 741 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, tương đương 18% tổng số vốn đổ vào các startup Đông Nam Á trong năm 2019.

Chính vì vậy, có thể nói thị trường chứng khoán Việt Nam hứa hẹn là một thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nếu có thể vượt qua những rào cản để được nâng hạng.

Theo Khoa Nguyên/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email