Xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ sau thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Một số ý kiến bắt đầu lo ngại về khả năng nhiều DN nội sẽ bị thâu tóm bởi đối tác ngoại.
Nội ngoại đều ồ ạt mua bán
Theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, trong nửa năm vừa qua, mặc dù nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề đều bị đình trệ, giảm sút về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, hoạt động M&A vẫn diễn ra mạnh mẽ với sự tham gia của cả các nhà đầu tư nước ngoài lẫn các tập đoàn kinh lớn trong nước.
Ghi nhận đến cuối tháng 5/2020 cho thấy, hoạt động M&A của các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra khá sôi động. Chẳng hạn, trong tháng 1/2020, Tập đoàn Mitsubishi và Nomura Real Estate (Nhật Bản) đã công bố mua 80% cổ phần giai đoạn 2 của dự án Vinhomes Grand Park.
Tiếp đó, các tập đoàn Stark Corporation và Super Energy Corporation (đều của Thái Lan) cũng đã lần lượt hoàn tất mua 100% cổ phần của CTCP Cáp điện Thịnh Phát và 4 dự án nhà máy điện mặt trời tại Bình Phước. Trong khi đó, mới đây nhóm cổ đông nước ngoài đang nắm 18,23% cổ phần của CTCP Xây dựng Coteccons là Kustocem Pte. Ltd. (thuộc Tập đoàn Kusto – Singapore) cũng đã rậm rịch triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường để dự kiến mua thêm cổ phần, đưa người vào ban lãnh đạo Coteccons.
Ngay cả với các tập đoàn trong nước, hoạt động M&A cũng diễn biến tích cực không kém. Trong quý 1/2020, CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF) đã sáp nhập vào CTCP Tập đoàn KIDO (KDC). Một công ty khác là CTCP Dầu thực vật Tường An cũng đã có tờ trình hợp nhất vào KDC trong tháng 4/2020.
Ở lĩnh vực dược phẩm, hai DN niêm yết lớn là CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) và CTCP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (DBD) cũng đã hoàn tất các thủ tục để đón nhận sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài tương tự như Dược Hậu Giang (DHG) và Domesco (DMC) đã làm trong năm 2019. Với việc thoái vốn bất ngờ của quỹ Dragon Capital tại IMP và sự mở room khối ngoại lên mức 100% tại DBD, đồng thời IMP xuất hiện thêm cổ đông ngoại là Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc có thể thấy, các thương vụ M&A lớn trong ngành dược phẩm không sớm thì muộn cũng sẽ được thực hiện trong quý 2 hoặc 3/2020.
Không lo thương hiệu Việt bị thâu tóm
Trong tháng 4/2020, nhận thấy hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh các DN trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19 khiến giá cổ phiếu sụt giảm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ các thương hiệu hàng Việt Nam có thể bị khối ngoại thâu tóm, đặc biệt là các DN tiềm năng quy mô vừa và lớn, có thị phần và vai trò dẫn dắt thị trường nhất định.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cũng đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu tạm thời dừng việc M&A trong giai đoạn này, đồng thời đề nghị các địa phương cảnh giác, thận trọng để tránh bị DN nước ngoài thâu tóm các thương hiệu Việt. Bởi hàng loạt các quốc gia như Pháp, Đức, Ấn Độ, Australia… cũng đã cảnh báo ngăn ngừa các ngành công nghiệp trọng yếu rơi vào tay đối thủ khi các đối tác đầu tư lợi dụng giá cổ phiếu ở mức đáy để mua vào.
Tuy nhiên, các lo ngại của VCCI không nhận được nhiều quan điểm đồng thuận. Từ phía Hiệp hội Doanh nghiệp FDI Việt Nam, GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, xu hướng M&A là xu hướng phát triển tất yếu và không thể ngừng lại được. Để tránh nguy cơ bị đối tác ngoại thâu tóm Chính phủ cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Theo ông Mại, tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã lên danh sách 500 công ty trong nước phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt đối với sở hữu nước ngoài, nhằm bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng. Tại Việt Nam hiện Luật Đầu tư sửa đổi cũng đã tính đến các biện pháp để phòng ngừa. Dự thảo Luật đã đưa ra các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận một số ngành nghề, lĩnh vực. Vì thế Chính phủ cần công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng quan điểm, luật sư Phạm Duy Khương – Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL Law cho rằng, Nhà nước chỉ cần can thiệp vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để tránh tác động đến an ninh kinh tế; còn với những dự án kinh tế thông thường nên rộng cửa đón nhận nguồn vốn góp, chuyển nhượng từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi hiện nay, hầu hết các DN đều đuối sức sau nhiều tháng chống chọi với dịch bệnh. Vì vậy, việc tranh thủ đàm phán và bán cổ phần cho đối tác ngoại lúc này cũng là một giải pháp tốt để vượt qua khó khăn, lấy lại cân bằng tài chính.
Thực tế, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) tính đến cuối tháng 5/2020 mặc dù tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn đạt khoảng 13,9 tỷ USD, song chỉ bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có sự tăng trưởng mạnh, nhưng tính chung cả nước, phương thức góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm trong 5 tháng đầu năm, chỉ đạt lũy kế khoảng gần 3 tỷ USD (bằng 39,1% so với cùng kỳ). Quy mô lượt góp vốn mua cổ phần mặc dù tăng trưởng 11,6% với trên 3.500 lượt góp vốn nhưng đa số là quy mô nhỏ với mức góp bình quân chỉ khoảng 0,85 triệu USD cho mỗi thương vụ. Trong khi đó, các lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần nhiều nhất vẫn là: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện và bán buôn bán lẻ vốn là những lĩnh vực truyền thống thu hút vốn góp nước ngoài trong 4-5 năm trở lại đây. Chính vì vậy, có thể nói những lo ngại về việc thương hiệu Việt bị các tập đoàn nước ngoài thâu tóm là chưa đáng kể và không nên giới hạn hoạt động M&A vào thời điểm này.
Theo Thạch Bình/Thời báo Ngân hàng