Một lô hàng vận chuyển đầy tranh cãi giữa khách và hãng xe

Lô hàng bị hư hỏng trên đường vận chuyển. Ông Trần Thanh Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Trọng Tấn (Công ty Trọng Tấn) ở P. Thới An, Q.12, TP.HCM cho rằng, công ty “đã rất thiện chí” xử lý vụ việc. Tuy nhiên, khách hàng là CTCP Gopco Việt Nam lại không hài lòng, đòi bồi thường. Cả hai lời qua tiếng lại và vẫn chưa giải quyết ổn thỏa…

Khách hàng tố hãng xe vô trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên, anh Vũ Thành Luân, đại diện phía Gopco cho biết: Thông qua một đơn vị trung gian, công ty đã gửi một lô hàng gồm các loại máy móc (đã qua sử dụng) như: Máy cắt nhôm, máy phay nhôm, máy đột dập… để Công ty Trọng Tấn vận chuyển từ Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đi Thái Nguyên.

“Hàng được vận chuyển từ ngày 4/10 và về đến kho hàng của Công ty Trọng Tấn tại TP.HCM vào ngày 14/10. Theo lịch trình thì lô hàng sẽ được vận chuyển tiếp ra Thái Nguyên, nhưng không hiểu vì lý do gì ngày 24/10 chúng tôi lại nhận được thông tin là hàng lại bị chuyển ngược về TP. Rạch Giá, Kiên Giang và bị hư hỏng nặng” – anh Luân chia sẻ.

a

Lô hàng trên sau đó đã được chuyển về lại TP.HCM và cùng thời điểm, phía Công ty Gopco cũng đã cử lãnh đạo cùng nhân viên kỹ thuật từ Thái Nguyên vào TP.HCM xử lý. Tuy nhiên, do không tìm được tiếng nói chung trong việc thương lượng đền bù nên đến thời điểm hiện tại vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

“Chúng tôi đưa ra hai phương án, một là đơn vị vận tải phải tự khắc phục, sửa chữa số máy móc hư hỏng như hiện trạng ban đầu; hai là, đền bù số tiền 100 triệu đồng để công ty tự sửa chữa hoặc mua máy mới. Chúng tôi muốn xử lý nhanh vụ việc, nhưng phía Công ty Trọng Tấn đã chây ỳ, cố tình trốn tránh nhằm phủi bỏ trách nhiệm” – anh Luân nói.

a2
Văn bản trả lời của Công ty Trọng Tấn về việc yêu cầu khách hàng cung cấp

Khách đòi bồi thường và hăm dọa

Xác nhận có vụ việc hàng hóa của Công ty Gopco bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, nhưng ông Đoàn cũng đính chính lại rằng: Phía Trọng Tấn đã rất thiện chí trong việc thương lượng, khắc phục, đền bù chứ không trốn tránh như lời “tố” của khách hàng.

Được biết, Công ty Trọng Tấn không trực tiếp nhận lô hàng từ Gopco mà chỉ nhận vận chuyển lại từ một đơn vị khác. Tuy nhiên, không vì thế mà công ty này đùn đẩy, phủi bỏ trách nhiệm.

“Sau khi vụ việc xảy ra, phía Trọng Tấn và Gopco cũng đã có trao đổi về việc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đòi hỏi của khách hàng là ‘quá đáng’, có dấu hiệu ‘cưỡng đoạt tài sản’ nên chúng tôi không đồng ý và đa ng nhờ cơ quan chức năng vào cuộc xử lý” – ông Đoàn cho biết.

Cụ thể, mặc dù yêu cầu được bồi thường thiệt hại là 100 triệu đồng (để mua máy mới), nhưng phía Gopco lại không đưa ra được các loại giấy tờ, hóa đơn, chứng từ… chứng minh giá trị hàng hóa, làm cơ sở để Công ty Trọng Tấn định giá tài sản và đền bù.

Ông Đoàn còn tiết lộ thêm, không những không cung cấp được các loại giấy tờ nêu trên, phía Gopco còn hăm dọa sẽ cho giang hồ xử lý nếu ông không đền bù như yêu cầu.

“Trọng Tấn là công ty vận tải đã gây dựng được uy tín với khách hàng trong và ngoài khu vực TP.HCM hàng chục năm nay. Chúng tôi hoạt động trên phương châm bảo đảm tối đa quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, vụ việc này chúng tôi không thể ‘nhân nhượng’. Đã có người muốn phá hoại, hạ thấp uy tín công ty chúng tôi!” – Ông Đoàn nghi ngờ.

Nói về vụ việc này, luật sư Bùi Thành Luật, Trưởng Văn phòng Luật Bùi Thành Luật – Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Nếu chứng minh được hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển do lỗi của công ty vận chuyển thì công ty buộc phải bồi thường.

Trong trường hợp này, phía Công ty Trọng Tấn yêu cầu hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán hàng hóa để làm cơ sở cho việc đền bù là đúng quy định. Bởi lẽ, nếu đưa vụ việc ra tòa thì Công ty Gopco cũng buộc phải cung cấp các giấy tờ trên để xác định hàng hóa là cũ / mới bao nhiêu, làm cơ sở cho việc thẩm định giá…

Nếu không thương lượng được thì Công ty Gopco có thể khởi kiện ra tòa để được pháp luật phân xử. Còn việc cho người gọi điện đe dọa ông Đoàn là việc làm không đúng.

“Nếu chứng minh được người của Công ty Gopco đe dọa và khiến cho mình cũng như nhân viên sợ hãi thì ông Đoàn có thể báo cơ quan công an sở tại bằng văn bản để nhờ trợ giúp. Dù cho việc hàng hóa hư hỏng là do phía đơn vị vận chuyển gây ra thì việc đe dọa như trên là phạm tội Cưỡng đoạt tài sản” – luật sư Bùi Thành Luật phân tích.

Văn phòng Công ty Trọng Tấn tại TP.HCM.

Theo Thanh Minh/Người tiêu dùng