Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhìn nhận, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 2,56 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.261 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhận diện khó khăn
Cà phê là một trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê trong tháng 7/2022 đạt 125.000 tấn, trị giá 284 triệu USD, giảm 9% về lượng và giảm 9,9% về trị giá so với tháng trước đó. Giá xuất khẩu bình quân cà phê tháng 7/2022 ước đạt mức 2.272 USD/tấn, giảm 1% so với tháng 6/2022.
Xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Philippines, Algeria giảm. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Anh tăng trưởng 3 con số; xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Nga tăng trưởng 2 con số.
Theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa), xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ đối mặt với khó khăn do chính sách “zero COVID” của Trung Quốc. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến trạng lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ suy yếu và giá cà phê ở mức thấp.
Bên cạnh đó, sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp. Sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% sản lượng là cà phê Robusta), thấp hơn so với 1,62 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021.
Trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500.000 tấn cà phê để xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu xung đột giữa Nga và Ukraine chưa sớm chấm dứt, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại của quý III/2022.
Giảm về lượng, tăng về chất
Đáng chú ý, theo Vicofa, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến đạt khoảng 345 triệu USD, chiếm 14-15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu cũng đang giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc.
Mặt khác, tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến đang được nâng lên đáng kể, điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt không còn quá chú trọng đến số lượng mà quan tâm đến chất lượng và giá trị gia tăng.
Một doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30-40% vì cả thế giới đang thích ứng với COVID-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400-2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.
Nhận định về kim ngạch xuất khẩu cà phê trong cả năm nay, Vicofa cho hay, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Tận dụng tốt các FTA
Cùng với việc chú trọng chất lượng, gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp “trợ lực” cho ngành cà phê Việt Nam về đích xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, châu Âu hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta. Trong Top 10 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam có 6 nước châu Âu.
Riêng với thị trường Anh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực mang lại nhiều triển vọng cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường này.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp ngành cà phê nói riêng mở rộng thị phần tại thị trường này, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Anh và Ireland.
Hiện, cà phê nhân từ Việt Nam đa phần là Robusta có chất lượng thấp, việc cạnh tranh về giá rẻ không còn phù hợp. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người Anh, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần đầu tư sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao từ những vùng trồng quy mô nhỏ hơn, có khả năng quản trị tốt hơn, có khả năng truy xuất và phát triển bền vững hơn.
Đáng nói, Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, nhu cầu cà phê đã mở rộng đáng kể ra ngoài các thị trường EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Bắc Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu là những nơi tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới.
Tại châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản dẫn đầu thị trường, tiếp theo là Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhu cầu dài hạn sẽ tăng trong những năm tới, có khả năng trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất.
Cục Xuất nhập khẩu cũng đưa ra gợi ý về quy mô thị trường cà phê Hoa Kỳ đang tăng trưởng trong vài năm gần đây và dự kiến sẽ tăng trưởng tốt, bình quân 6,74% trong giai đoạn 2020-2027. Nhờ lợi ích sức khỏe liên quan đến cà phê cùng với xu hướng tiêu dùng thay đổi được dự đoán sẽ thúc đẩy thị trường cà phê Hoa Kỳ.
Còn tại thị trường Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm vì nhu cầu thưởng thức cà phê của người dân tăng. Chính vì vậy, tiềm năng nhập khẩu cà phê Việt Nam của Trung Quốc còn rất lớn.
Theo Phan Trang/baochinhphu.vn