Yêu cầu tiên quyết khi xuất khẩu xoài là truy xuất nguồn gốc. Bởi vậy, các chuyên gia nhận định, cần tăng cường mở rộng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.
Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam hơn 180 triệu USD, chỉ chiếm 1,15% tổng xuất khẩu xoài thế giới. Thị trường xuất khẩu xoài Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc (83,9%), đạt gần 152 triệu USD; kế đến là thị trường Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Australia, Nhật Bản…
Cục này cũng cho biết, yêu cầu tiên quyết khi xuất khẩu xoài là truy xuất nguồn gốc. Riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2020 đã có 271 số mã vùng trồng được cấp để xuất khẩu. Đáng lưu ý, diện tích trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP của vùng là 1.789 ha, chiếm 3,8% trên tổng diện tích. Vì vậy, cần tăng cường mở rộng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp thông tin, Đồng Tháp hiện có diện tích trồng xoài lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 12.171 ha, sản lượng hàng năm gần 124 ngàn tấn. Hiện, gần 980 ha xoài trên địa bàn tỉnh đã được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường khó tính và trên 4.200 ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc; 342 ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP,… Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho rằng, ngành hàng xoài ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%; khâu phân loại chất lượng xoài tươi để tạo độ đồng đều về mặt chất lượng hạn chế, khâu bảo quản xoài tươi hao hụt nhiều; công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn nhiều bất cập; số lượng diện tích sản xuất đạt thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP còn hạn chế.
Trong khi đó, các rào cản khắt khe về kỹ thuật, về tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật/hoá học để đáp ứng với thị trường tiêu thụ khác nhau đang là những thách thức lớn hiện nay. Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói xuất khẩu sang các thị trường chưa chặt chẽ, dễ gây mất uy tín cho địa phương và thiệt hại cho nông dân.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cả nước có diện tích xoài 87.000 ha, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 48%, đây là yếu tố rất tốt để nâng chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu và lưu hành trong thị trường nội địa. Mặt khác, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 42% diện tích được cấp mã số vùng trồng, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai hợp tác nâng cao chất lượng tiêu chuẩn xoài Việt Nam. Tuy nhiên, diện tích xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP chỉ chiếm 3,8% diện tích, như vậy vấn đề triển khai các mô hình theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP vẫn phải cần đẩy mạnh.
Thứ trưởng lưu ý, ngoài việc chú trọng vấn đề xuất khẩu, các địa phương cần chú ý đến chất lượng, các tiêu chuẩn để quả xoài vào được những hệ thống siêu thị để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước, đây là một xu hướng cần hướng đến trong thời gian tới. Ngoài ra, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, tổ chức nâng cao chất lượng cho xoài từ khâu trồng, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Đặc biệt, phải xác định được thị trường mục tiêu để phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng tiêu chuẩn phù hợp nhằm định hướng cho nông dân, đảm bảo hài hòa với các tiêu chuẩn, quy định của quốc tế và Việt Nam, giảm chi phí cho nông dân.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD; có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến.