Mô hình một điểm đến – đa tiện ích đang dần trở thành xu hướng tất yếu trong bán lẻ Việt Nam nhằm bắt kịp xu hướng hạn chế di chuyển nhiều nơi, lựa chọn các điểm đến tích hợp nhiều nhu cầu mà vẫn an toàn.
Tại Việt Nam, Masan là doanh nghiệp tiên phong triển khai mô hình này khi giới thiệu cửa hàng mini-mall tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), dịch vụ tài chính (Techcombank) và dịch vụ F&B (Phúc Long) từ giữa năm 2021 và đạt được kết quả kinh doanh hết sức khả quan: giúp tăng 30% lưu lượng khách hàng đồng thời giúp mỗi điểm bán giảm 44% mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn.
Trong giai đoạn tiếp theo, Mini-mall sẽ trở thành con ngựa chiến giúp Masan tiếp tục chinh phục thị trường bán lẻ toàn quốc. Thế nhưng để mini-mall hái được quả ngọt như hiện tại, Masan đã phải dày công xây dựng nền tảng vững chắc, bắt đầu từ cuối năm 2019, khi Tập đoàn lấn sân sang lĩnh vực tiêu dùng bằng cách sáp nhập với VinCommerce (nay là WinCommerce). Tập đoàn cũng thành lập The CrownX – doanh nghiệp Tiêu dùng – Bán lẻ tích hợp hàng đầu tại Việt Nam.
Bước lùi để sẵn sàng nhảy vọt
Khởi nghiệp từ sản xuất mặt hàng nước mắm, mì gói, hơn 20 năm qua, Masan luôn đặt người tiêu dùng làm trọng tâm, nỗ lực mang đến các sản phẩm dịch vụ với mức giá tối ưu hơn, giúp họ chi trả ít hơn cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Nhận thấy tương lai của ngành hàng tiêu dùng sẽ nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại, lợi nhuận gộp cũng như khả năng quyết định mức giá, phục vụ người tiêu dùng sẽ dịch chuyển từ nhà sản xuất sang nhà bán lẻ, Masan đã bước vào lĩnh vực này và công bố mua lại VinCommerce (nay là WinCommerce) – thương vụ khiến cả thị trường và nhà đầu tư sững sờ, nghi ngại các thương vụ mua lại khiến Masan quá đa ngành, không tập trung vào chiến lược mục tiêu ban đầu.
Nhưng với tập đoàn, và đặc biệt là Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang “Thương vụ WinCommerce (WCM) là bước nhảy vọt đối với Tập đoàn Masan”. Tập đoàn vạch ra kế hoạch 3 bước, trong đó Bước 1 là đưa WCM đạt EBITDA hòa vốn trong vòng một năm. Masan vận hành với nguyên tắc đơn giản: khi nền móng không vững vững chắc, tòa nhà sẽ bị lung lay. Tập đoàn chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để đảm bảo một nền tảng thật vững vàng cho The CrownX – doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ có quy mô lớn hàng đầu Việt Nam.
Tập đoàn quyết liệt thực hiện tinh gọn cửa hàng, đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả quy trình logistics và luân chuyển hàng hóa cũng như tinh gọn danh mục hàng bán, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng lúc bấy giờ. Kết thúc Quý 4/2020, WCM đạt EBITDA hòa vốn trong quý 4/2020 và thiết lập nền tảng để Masan thực hiện Bước số 2 và 3 trong kế hoạch chiến lược: xây dựng kênh bán lẻ hiện đại với quy mô toàn quốc, phục vụ 30 – 50 triệu người tiêu dùng
Xây dựng kênh bán lẻ hiện đại, hiện thực hóa chiến lược Point of Life
Sau khi đã giúp EBITDA VinCommerce hòa vốn, Masan thực hiện song hành 2 bước đi chiến lược trong kế hoạch mục tiêu 2020 – 2025: Xây dựng kênh bán lẻ hiện đại và hoàn thiện các mảnh ghép trong chiến lược Point of Life.
Để xây dựng được kênh bán lẻ hiện đại, trong năm 2021, Masan tiếp tục tập trung đàm phán với các nhà cung cấp để giảm chi phí hậu cần và tăng hiệu quả chuỗi cung ứng. Tập đoàn cũng thay đổi cách thức bài trí cửa hàng, tập trung vào các sản phẩm tươi sống, phát triển nhãn hàng riêng và tối ưu hóa danh mục hàng bán tại từng địa phương.
Song song đó, Masan công bố hợp tác với Alibaba – doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu Châu Á để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp tại Việt Nam trong thời gian tới. Thỏa thuận với Lazada – nền tảng thương mại điện tử của Alibaba ở khu vực Đông Nam Á, giúp Masan tiếp cận tệp khách hàng của trang e-commerce này đồng thời giảm chi phí thu hút khách hàng mới.
Từ những mảnh ghép ban đầu là nhu yếu phẩm (VinMart/VinMart+, nay là WinMart/WinMart+) và Techcombank, Masan đã dần bổ sung từng mảnh ghép chiến lược trong hệ sinh thái Point of Life của mình. Tháng 5/2021 Masan mua lại 20% cổ phần Phúc Long, và bắt đầu tích hợp các kiosk Phúc Long vào hệ tống siêu thị WinMart+ đồng thời xây dựng mô hình mini-mall đa tiện ích. Với Phúc Long, mối lương duyên này giúp chuỗi trà – cà phê nhanh chóng mở rộng chuỗi trên toàn quốc, tiết kiệm chi phí vận hành, đáp ứng nhu cầu của khách hàng mua sản phẩm mang đi.
Còn với Masan, các Phúc Long kiosk sẽ giúp tăng trải nghiệm mua sắm tại WinMart+ đồng thời giúp tập đoàn tiếp cận tệp tệp khách hàng người dùng trẻ. Nhờ khả năng tích hợp mạnh mẽ với nhau, chỉ trong gần 1 năm hợp tác, Phúc Long có thêm 624 kiosk tích hợp bên trong các siêu thị WinMart; nâng tổng số cửa hàng lớn và kiosk lên con số 721 cửa hàng – đứng đầu về số lượng tại Việt Nam trong mảng F&B.
Hiệu quả mang lại cho Masan cũng vô cùng khả quan, giúp Tập đoàn nâng tỉ lệ sở hữu Phúc Long từ 20% lên 51% vào tháng 2/2022.
Ngoài Phúc Long, mạng di động Reddi là một mảnh ghép chiến lược khác vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái Point-of-Life. Công bố mua lại Reddi vào tháng 9/2021, Masan đặt mục tiêu Reddi sẽ là nền móng cho việc số hóa toàn bộ nền tảng của Tập đoàn. Xây dựng chương trình khách hàng thân thiết nhờ vào chính sách thu hút khách hàng mới dựa trên hợp tác thương hiệu.
Chương trình sẽ giúp người dùng tận hưởng các gói dữ liệu miễn phí nhờ ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm trên toàn hệ sinh thái của Masan. Đây là điểm khác biệt và là ưu thế vượt trội của Reddi so với các nhà mạng di động hiện nay trên thị trường.
Nhờ kế hoạch bài bản, thực thi vững vàng, trong năm 2021 Masan đạt mức doanh thu thuần 88.629 tỷ đồng, tăng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng của năm 2020. Trong năm 2022, Tập đoàn đặt mục tiêu tăng tốc nhân rộng mô hình mini-mall – một điểm đến, đa tiện ích với 2.000 cửa hàng theo 5 hình thức khác nhau, dựa trên phân tích đặc trưng của từng thành phố, ngoại ô, nông thôn ở các cửa hàng mới mở cũng như cửa hàng hiện có. Với tầm nhìn xa trông rộng và năng lực thực thi của Masan, kế hoạch này hoàn toàn nằm trong tầm với.