Mở cửa đón khách quốc tế, ngành du lịch cần làm gì ngoài kiểm soát “hộ chiếu vaccine”?

Để nhanh chóng vực dậy ngành công nghiệp không khói sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều biện pháp đã được ngành du lịch tính tới, trong đó, áp dụng “hộ chiếu vaccine” là giải pháp quan trọng để đón khách quốc tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước mắt vẫn là tính đến việc phục hồi du lịch nội địa, tạo sức bật cho ngành khi “thời cơ” mở cửa đến…

Thực tế, chúng ta không thể phục hồi du lịch quốc tế nếu thị trường nội địa vẫn… “ngủ Đông”. Vì thế, khách du lịch nội địa vẫn cần được ưu tiên “chăm sóc” trước. Đặc biệt, Việt Nam cũng phải sớm chuẩn bị nguồn lực và các phương án mở cửa nếu không muốn đánh mất cơ hội tăng tốc ngành công nghiệp không khói trước các đối thủ cạnh tranh.

Tạo sức bật cho du lịch nội địa

Có thể thấy, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát dẫn tới du lịch nội địa đang sôi động trở lại. Theo các công ty lữ hành, lượng khách đặt tour trong khoảng 1 tuần trở lại đây bắt đầu sôi động.

Tại Công ty Flamingo Redtours, tính đến 1/4, đã có 10.000 người đăng ký tour nghỉ lễ. Số lượng khách đặt đạt khoảng 50 – 60% so với dự kiến. Lý giải về sự tăng trưởng trở lại của thị trường du lịch, đại diện Công ty Flamingo Redtours cho biết: “Năm nay, dự báo lượng khách đăng ký tour sẽ tăng cao do 2 yếu tố: kỳ nghỉ lễ dài tới 4 ngày và trong một thời gian dài, du khách bị kìm nén nhu cầu du lịch do bị ảnh hưởng bởi Covid-19”.

Đại diện Saigontourist cũng cho hay, những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, lượng khách hàng đến tư vấn đặt tour cho các hành trình khởi hành tháng 4 đã tăng vọt. Hiện công ty đã mở lại tất cả hành trình đến các điểm đến du lịch trên toàn quốc.

Chia sẻ về vai trò của du lịch nội địa đối với các doanh nghiệp du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết tuy doanh thu của nội địa không cao so với doanh thu từ khách quốc tế nhưng trong bối cảnh hiện nay, du lịch nội địa là cứu cánh của không ít DN.

“Có thể nói chúng ta coi du lịch nội địa từ trước đến nay như một hoạt động tự phát. Chính vì vậy đến bây giờ, khi khủng hoảng thì chúng ta mới hiểu du lịch nội địa mới chính là cứu cánh và chỉ khi đó du lịch nội địa mới bắt đầu phát triển thực sự. Thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã thấy rõ được mỗi khi dịch Covid-19 tương đối ổn định thì du lịch nội địa lại bắt đầu bùng lên. Cho đến nay, chúng tôi hi vọng du lịch nội địa sẽ giúp cho ngành du lịch cầm cự được một thời gian nữa”, ông Bình nhấn mạnh.

Vì thế, theo ông Bình, để “kích cầu” du lịch nội địa, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kêu gọi các DN giảm giá nhưng không giảm chất lượng. “Chúng tôi muốn kích cầu đa dạng, nâng cao chất lượng chứ không nặng nề về giá”, ông Bình cho hay.

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) cũng có góc nhìn khá hay. Theo ông, trước đây, chúng ta coi du lịch nội địa là thị trường rất lớn nhưng chưa phân khúc lượng khách Việt đi du lịch nước ngoài là dòng khách cao cấp cần thu hút. Thời điểm hiện tại, khi người dân chưa đi du lịch nước ngoài được thì ngành du lịch cần tập trung khai thác vào phân khúc này.

“Chúng ta phải tính toán làm sao để khai thác cho hiệu quả thông qua việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số để chia sẻ tốt nhất giữa các điểm đến, giữa các doanh nghiệp dịch vụ để có những combo tốt nhất. Mặt khác, tăng cường nghiên cứu các phân khúc thị trường khác nhau nhằm phục vụ tốt nhất cho khách du lịch nội địa. Vì vậy, một trong những chiến lược phát triển du lịch nội địa thời gian tới là phải phân đoạn thị trường theo nhu cầu chuyên biệt để đáp ứng tốt nhất, như vậy tổng doanh thu sẽ tăng cao”, ông Siêu chia sẻ.

Kích cầu du lịch nội địa cần đa dạng, nâng cao chất lượng chứ không nặng nề về giá
Kích cầu du lịch nội địa cần đa dạng, nâng cao chất lượng chứ không nặng nề về giá.

Sẵn sàng tâm thế chờ “mở cửa” đón khách quốc tế

Ngoài việc tạo sức bật cho thị trường nội địa, ngành du lịch cũng đang tính đến các giải pháp để sẵn sàng chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế, đón luồng ngoại tệ lên tới 18,3 tỷ USD. Vì thế, câu hỏi đặt ra hiện nay là cơ chế, chính sách thiết yếu sẽ cần điều chỉnh gì để mở cửa thị trường quốc tế bền vững? Ngoài vaccine, ngành du lịch cần chuẩn bị những gì về hạ tầng, nguồn nhân lực?…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng TCDL cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu một số biện pháp kiểm soát để mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh, TCDL đang xây dựng phương án, tham mưu lãnh đạo Bộ VH-TT-DL trình Chính phủ, trong đó sẽ mở cửa từng bước thị trường quốc tế, tiến hành thí điểm trên nhiều phương diện từ lựa chọn thị trường khách, quy trình đón khách, điểm đến an toàn, cũng như lựa chọn DN đón khách quốc tế, dự kiến thí điểm mở cửa trở lại từ tháng 7 tới.

Thị trường khách du lịch được nhắm tới là Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể thêm vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Quyết định thí điểm này đều dựa vào tiêu chí chống dịch tốt ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, thỏa thuận song phương và chấp nhận kết quả chống dịch, tiêm vaccine từ 2 phía. Đặc biệt, các chuyến bay chở khách quốc tế đều thuộc hình thức thuê bao trọn gói đảm bảo toàn bộ khách du lịch cùng đến một điểm để đảm bảo an toàn.

“TCDL chọn thí điểm ở địa phương nào sẵn sàng ủng hộ chính sách mở cửa trở lại, bên cạnh đó phải đáp ứng tiêu chí du lịch hấp dẫn và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”, ông Khánh nói.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), nhấn mạnh, khách quốc tế đến Việt Nam cần được áp dụng đúng quy trình, trong đó hộ chiếu vaccine hoặc chứng chỉ tiêm vaccine là yêu cầu bắt buộc, ngoài ra là xét nghiệm PCR trước chuyến bay và test nhanh khi khách đến sân bay. Thời gian cách ly, chờ kết quả khoảng 3 ngày.

Song, ông Chính lưu ý, quan điểm của TAB và cá nhân ông rằng vaccine không phải là biện pháp duy nhất và an toàn nhất, mà cần kết hợp với nhiều biện pháp đồng bộ khác, bởi ngay cả với hộ chiếu vaccine tính minh bạch chưa chắc đã đảm bảo 100%.

“Nên có chính sách bảo hiểm y tế bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách quốc tế đến Việt Nam, sau đó là khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho du khách nếu gặp rủi ro dịch bệnh, chuyến đi bị hủy, hoãn cũng như phải điều trị y tế hay về nước…”, ông Chính đề xuất thêm.

Trong khi đó, điều khiến ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lo lắng là hiện nay nhân sự trong các doanh nghiệp du lịch bị “hao hụt” rất nhiều. “Chúng tôi đang cố gắng vận động các doanh nghiệp để gìn giữ được nhân sự nòng cốt để có thể khôi phục được trong thời gian tới”, ông Bình chia sẻ.

Ở góc độ DN, nhiều đơn vị cho biết để đón khách quốc tế, các DN xây dựng các tour theo hướng tự chọn, cá nhân hóa cao để vừa tăng tính trải nghiệm, vừa tạo an toàn với dịch. Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour – Vietluxtour, cho biết dạng tour này cao cấp hơn tour phổ thông nhưng đây là hướng đi mà du lịch nội địa sẽ đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay.

“Du khách được tự thiết kế hành trình tour dưới sự tư vấn của nhân viên công ty du lịch. Cũng lên rừng, xuống biển nhưng tour sẽ được sắp xếp để phù hợp với lịch trình, đặc thù từng nhóm khách”, ông Dũng khẳng định.

Theo Linh Đan/Chất lượng&cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email