Bên cạnh bà con ngư dân, cùng với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản ở miền Trung cũng đã và đang nỗ lực khắc phục những tồn tại liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Gấp rút gỡ “thẻ vàng”
Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) đối với Việt Nam. Ngay sau thời điểm đó, cùng với cả nước các địa phương ven biển ở khu vực miền Trung đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống khai thác IUU, nỗ lực góp phần gỡ “thẻ vàng”.
Trên thực tế, trong thời gian qua nhiều bà con ngư dân các tỉnh, thành ở miền Trung đã nhận thức được những ảnh hưởng tiêu cực từ việc EC áp dụng “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản trong nước. Bởi vậy, bà con đã nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của nhà nước trong việc đánh bắt, khai thác nguồn thủy hải sản, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản đại dương và nghề cá được phát triển bền vững.
Tại Quảng Ngãi, một trong những địa phương có nghề khai thác thủy hải sản phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.700 tàu cá đang khai thác thủy sản. Trong đó, gần 4.000 chiếc dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Những năm trước, Quảng Ngãi từng là một trong những địa phương có nhiều lượt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian gần đây các cơ quan chức năng địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nghiêm chỉnh chấp hành.
Theo đại diện Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, kể từ thời điểm EC áp dụng “thẻ vàng”, đối với việc khai thác hải sản bất hợp pháp, chi cục đã tổ chức kiểm soát nguồn hải sản cập cảng, không thu mua hải sản đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, loại cấm khai thác. Nếu phát hiện tàu cá vi phạm, mức xử phạt rất cao và ngư dân sẽ bị thu hồi giấy phép hành nghề…
Trong khi đó tại Bình Định, cũng là một trong những địa phương đang có nhiều nỗ lực để gỡ “thẻ vàng”. Theo đó, đến năm 2022 việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho nhóm tàu cá dài 15m trở lên ở địa phương đạt 100%. Việc cấp chứng nhận giấy phép khai thác thủy sản cho nhóm tàu cá nhỏ đang được tích cực triển khai. Về nhật ký khai thác, hiện đang triển khai lắp đặt thí điểm nhật ký khai thác điện tử cho 100 tàu cá trên 15m để làm cơ sở triển khai cho toàn đội tàu. Đặc biệt, đối với những tàu thường xuyên hoạt động ở các ngư trường xa, ít trở về địa phương, Bình Định tăng cường phối hợp với các địa phương khác để thực hiện công tác quản lý chặt chẽ hơn.
Còn đó những “lỗ hổng”
Bên cạnh bà con ngư dân, cùng với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản ở miền Trung cũng đã và đang nỗ lực khắc phục những tồn tại liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Đại diện Công ty TNHH MTV Xuất khẩu thủy sản Hải Phú (Quảng Ngãi) cho rằng, dù chật vật do thiếu nguyên liệu đầu vào, song công ty kiên quyết chỉ thu mua nguyên liệu thủy sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, được lực lượng chức năng xác nhận và chứng nhận nguồn gốc khai thác rõ ràng, đúng quy định. Điều này sẽ góp phần hạn chế, tiến đến chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm những quy định chống khai thác IUU.
Mới đây, trong đợt thanh tra lần thứ 3 của EC tại Khánh Hòa, EC đã ghi nhận những cố gắng của Việt Nam trong việc khắc phục “thẻ vàng” IUU. Qua kiểm tra, EC đánh giá cao tinh thần sẵn sàng tiếp tục cải thiện đối với các khuyến nghị của EC, trong đó có việc minh bạch toàn bộ các thông tin. Khung pháp lý của Việt Nam đáp ứng đủ các chuẩn quốc tế. Ngay tại địa phương được thanh tra lần này là Khánh Hòa, cũng có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng liên quan nhằm phòng, chống hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp…
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực vẫn còn những “lổ hổng”, ảnh hưởng đến việc lấy lại “thẻ xanh” cho ngành thủy sản. Trong đó, nổi lên sự khác biệt giữa các địa phương trong cả nước khiến hệ thống kiểm soát vẫn chưa đủ để ngăn chặn hiệu khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau 5 năm bị cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản của EU, Việt Nam vẫn chưa khắc phục được những tồn tại theo khuyến nghị của EC. Tính đến hiện tại, chúng ta vẫn còn những hạn chế trong thực hiện khắc phục thẻ vàng EC. Trong đó, có thể kể đến như, tình trạng tàu không lắp thiết bị hành trình; tàu vào/ra không khai báo, không kiểm soát hết được 100% dẫn đến không truy xuất được nguồn gốc hải sản. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là vẫn còn tồn tại số lượng tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, EC cũng đã nêu ra những vấn đề liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát việc xuất nhập khẩu thủy sản. Cụ thể, khi kiểm tra tại Khánh Hòa, đoàn công tác của EC đã phát hiện giấy tờ 2 lô hàng của một doanh nghiệp nhập cá kiếm từ Trung Quốc và xuất đi Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra lại thì lô hàng này là cá tra chứ không phải cá kiếm và xuất đi Mỹ. Tại một công ty khác, đoàn công tác kết luận, hệ thống truy xuất của doanh nghiệp không đáng tin cậy. Số liệu các nguyên liệu xuất đi châu Âu so với những hồ sơ thực tế không khớp nhau…
Theo kế hoạch khoảng giữa tháng 5/2023, Việt Nam cần báo cáo hoàn thành các khuyến nghị để qua tháng 6/2023, EC sẽ tiến hành kiểm tra lần thứ 4. EC cũng thông báo trước, trong đợt thanh tra vào tháng 6 tới đây, sẽ không thông báo trước cho các địa phương. Bởi, đây là lần kiểm tra có tính chất quyết định trong việc có gỡ “thẻ vàng”, trả lại “thẻ xanh” cho ngành thủy sản Việt Nam hay không? Trong đó, EC nhiều lần khẳng định, chỉ gỡ “thẻ vàng” khi không còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài… Bởi vậy, thời điểm này có thể nói là khoảng thời gian “nước rút”, để cả nước nói chung và các địa phương miền Trung nói riêng nỗ lực gỡ “thẻ vàng”.
Trên tinh thần đó, lực lượng liên quan cũng như các địa phương trong cả nước cần quyết liệt triển khai các giải pháp, khắc phục những tồn tại để đạt được những kết quả thuận lợi nhất. Trong đó, một trong những nhiệm vụ phải tập trung triển khai trong thời gian tới nữa là việc quản lý chặt chẽ đội tàu cá. Tất cả các địa phương phải đảm bảo tất cả các tàu đã đi hoạt động phải được đăng ký, cấp phép, đánh dấu theo quy định và phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình…
Theo Nghi Lộc/Thời báo Ngân hàng