VCCI cho rằng để thực hiện được đề xuất miễn lệ phí môn bài, cần bỏ lệ phí này ra khỏi Luật Phí và Lệ phí
Bỏ lệ phí môn bài ra khỏi luật
Theo dự thảo của Bộ Tài chính, trường hợp hộ cá nhân, cá nhân mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh trong năm đầu tiên sẽ được miễn lệ phí môn bài. Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu được miễn lệ phí môn bài.
Đề xuất này đã được Bộ Tài chính báo cáo với Thủ tướng trong quá trình soạn thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 139 và được Thủ tướng đồng ý, nhằm giảm chi phí đầu vào cho DN và người dân.
Trong phần góp ý của mình, VCCI nêu rõ lệ phí môn bài là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nộp hằng năm. Tức cứ có hoạt động kinh doanh là phải đóng loại lệ phí này, bên cạnh nghĩa vụ phải đóng các loại thuế khác phát sinh trong quá trình kinh doanh. “Trong bối cảnh nhà nước đang thúc đẩy việc thành lập DN mới, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, cắt giảm các chi phí tạo điều kiện cho DN hoạt động thuận lợi thì việc thu lệ phí môn bài ngay khi người dân bước vào kinh doanh đã đi ngược lại chủ trương và tinh thần này” – VCCI nhận xét.
Do đó, VCCI bày tỏ đồng tình với những sửa đổi, bổ sung của dự thảo nghị định. Tổ chức này đánh giá những sửa đổi, bổ sung dự báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi đáng kể về mặt chi phí cũng như thủ tục cho các chủ thể kinh doanh từ khi khởi sự cho đến những năm đầu kinh doanh. Cùng đó, các quy định trong dự thảo cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 02 của Chính phủ, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa…
Tuy nhiên, bởi vì lệ phí môn bài được quy định trong Luật Phí và Lệ phí nên nghị định không thể quy định khác. Do đó, về lâu dài, VCCI đề nghị bỏ lệ phí môn bài ra khỏi Luật Phí và Lệ phí.
Cần nhiều hỗ trợ khác
Theo ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty Kế toán Đồng Hưng, việc miễn lệ phí môn bài cho DN trong năm đầu khởi sự kinh doanh có thể khiến nhà nước thiệt hại nguồn thu nhưng đem lại thuận lợi ở mức nhất định cho đơn vị kinh doanh. Đặc biệt, ưu đãi này còn góp phần thúc đẩy thành lập thêm DN hoặc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên DN, nhằm hoàn thành mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020.
“Tuy nhiên, do lệ phí môn bài không phải là khoản thu quá lớn nên việc được miễn giảm trong năm đầu kinh doanh hay không cũng không quá quan trọng đối với cá nhân, DN. Đây không phải là yếu tố tiên quyết để hỗ trợ cho DN thành lập, hoạt động hiệu quả như họ mong muốn. Cái họ cần là các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, nhà xưởng… phải bảo đảm công bằng giữa mọi thành phần kinh doanh; nâng cao năng lực cán bộ thuế để làm đúng quy định, tránh việc người làm sai thì chạy chọt cửa sau còn cá nhân, DN làm đúng lại bị thiệt thòi; đồng thời hỗ trợ sáng kiến của DN sản xuất trong nước thay vì ưu đãi cho DN nước ngoài” – ông Tiến góp ý thêm.
Ở góc nhìn nguồn thu ngân sách, chuyên gia kinh tế – TS Ngô Trí Long cho rằng theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu số lượng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia khởi sự trong năm 2019 tương đương với con số khoảng 147.209 tổ chức của năm 2018 thì với quy định miễn lệ phí môn bài, dự kiến số thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 200 tỉ đồng. Ngược lại, DN sẽ giảm bớt được thời gian và chi phí, đồng thời tăng sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, đồng nghĩa tăng khả năng đóng thuế vào ngân sách. “Trong bối cảnh sức cạnh tranh của DN trong nước còn kém, việc tiết kiệm được khoản thu nhỏ như lệ phí môn bài cũng rất có ý nghĩa với họ. Việc miễn giảm này phải đánh đổi bằng nguồn thu ngân sách. Do đó, cần cân nhắc kỹ tác động trước khi có quyết định chính thức” – TS Ngô Trí Long góp ý.