Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm 2021 cụ thể như sau:
The CrownX (TCX), nền tảng tiêu dùng – bán lẻ của Masan hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) đạt lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) 9 tháng đầu năm 2021 là 4.774 tỷ đồng, tăng 185,5% so với mức 2.569 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020. Biên EBITDA tăng 509 điểm cơ bản, đạt 11,5%. Vượt qua các thách thức như chi phí vận hành tăng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do tác động của các đợt giãn cách xã hội, TCX đã đạt được các kết quả tăng trưởng khả quan.
Với WCM, quý III/2021 là quý đầu tiên WCM đạt lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông dương, sau 7 quý kể từ lúc được Masan mua lại. NPAT Post-MI đạt 137 tỷ đồng trong quý III/2021, được thúc đẩy bởi doanh thu thuần tăng trưởng 21,2% so với năm 2020 và biên EBITDA đạt 5,5% so với mức âm 3% trong cùng kỳ năm ngoái. Động lực thúc đẩy tăng trưởng là lợi nhuận thương mại được cải thiện sau khi đàm phán với nhà cung cấp, tối ưu hóa chi phí hoạt động cửa hàng và các sáng kiến nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.
Với MCH, doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng lần lượt ở mức 14,3% và 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái; quý III/2021, doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 18,6% và 38,2%.
Việc tích hợp ki-ốt Phúc Long tại các điểm bán WCM đã giúp số lượng hóa đơn/ngày trung bình tăng 16%. Masan tiếp tục triển khai thí điểm mô hình cửa hàng tích hợp WinMart+, Phúc Long, dược phẩm Phano và điểm giao dịch Techcombank và gặt hái những kết quả thành công bước đầu. Đây chính là động lực để Ban điều hành tiếp tục tăng tốc nhân rộng mô hình này trong hệ thống bán lẻ của Masan.
Masan đã bổ sung mảnh ghép mới vào hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life với thương vụ mua lại Công ty Cổ phần Mobicast, một doanh nghiệp startup trong lĩnh vực mạng di động ảo. Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là cơ sở để Masan số hóa nền tảng hiện nay chủ yếu ở kênh offline, xây dựng chương trình khách hàng thân thiết nhằm mang đến giá trị cho người tiêu dùng trong dài hạn, đồng thời giảm chi phí thu hút khách hàng mới.
Với Masan MEATLife, mảng kinh doanh thịt đạt 3.330 tỷ đồng doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 103,3% so với mức doanh thu thuần 1.638 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Quý III/2021, mảng kinh doanh MEATDeli của MML (thịt chưa bao gồm trang trại và 3F Việt – doanh nghiệp nội địa sản xuất thịt gia cầm tích hợp đã được Masan mua lại) đã có lợi nhuận thuần sau thuế dương.
Masan High-Tech Materials (MHT) đạt lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông 20 tỷ đồng trong quý III/2021, chủ yếu do nhu cầu mua vật liệu công nghệ cao gia tăng trên toàn cầu và giá vonfram cao hơn. Nhờ vậy, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của MHT đạt 9.604 tỷ đồng, tăng 89,3% so với cùng kỳ năm trước và EBITDA đạt 1.870 tỷ đồng, tăng 85,7% so với cùng kỳ năm trước. 89% doanh thu thuần hợp nhất của MHT trong 9 tháng đầu năm 2021 đến từ các sản phẩm vật liệu công nghệ cao và sản phẩm liên quan.
Ngân hàng Techcombank (TCB) – công ty liên kết của Masan – đạt lợi nhuận trước thuế 17,1 nghìn tỷ trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng 59,5% so với cùng kỳ năm trước nhờ biên lãi ròng đạt 5,69% và tỉ lệ CASA 49,0%.
MSN đạt 64.801 tỷ đồng doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm 2021, hoàn thành 70,4% mục tiêu doanh thu thuần ở mức thấp cho năm 2021 là 92.000 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của MSN đạt 2.126 tỷ đồng, hoàn thành 85% mục tiêu lợi nhuận ở mức thấp là 2.500 tỷ đồng cho năm tài chính 2021.
Như vậy, kết quả tài chính hợp nhất là doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2021 của Masan Group đạt 64.801 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5% so với mức 55.618 tỷ đồng vào cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ ở hầu hết các mảng kinh doanh: 14,3% của MCH; 32,8% của MML; và 89,3% của MHT.
Ngoài ra, doanh thu của chuỗi WCM đạt mức tăng trưởng một chữ số trong 9 tháng đầu năm 2021 chủ yếu là do số lượng điểm bán giảm sau đợt tinh gọn mạng lưới cửa hàng trong năm 2020. Tính đến cuối quý III/2021, Masan có tổng số 2.456 cửa hàng đang hoạt động so với mức 2.654 cửa hàng hồi cuối quý III/2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, EBITDA hợp nhất của Masan tăng 70,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 11.070 tỷ đồng, biên EBITDA đạt 17,1% so với 11,7% của cùng kỳ năm 2020. Động lực tăng trưởng là nhờ biên EBITDA của WCM cải thiện 870 điểm cơ bản trong 9 tháng đầu năm, đạt mức 3,4%. Các mảng kinh doanh khác đạt biên EBITDA so với cùng kỳ năm trước tương đối ổn định ngoại trừ MML, do giá cả hàng hóa tăng ảnh hưởng tiêu cực đến mảng thức ăn chăn nuôi. Nhìn chung, biên EBITDA của Masan Group trong quý III/2021 tăng 406 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 119,5%, đạt mức 2.126 tỷ đồng so với 969 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, thu nhập từ mảng kinh doanh chính, hay lợi nhuận thuần tiền mặt sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 1.864,0% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu nhờ vào tỉ suất lợi nhuận tuyệt đối cao hơn ở tất cả các mảng kinh doanh. Đặc biệt, quý III/2021 là quý đầu tiên WinCommerce và mảng kinh doanh thịt MEATDeli của MML đều đạt NPAT Post-MI theo quý dương. Kết quả này khẳng định chiến lược đúng đắn của Masan tập trung phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng nâng cao của người Việt và năng lực của Masan trong các lĩnh vực kinh doanh mới nổi.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, TS. Nguyễn Đăng Quang cho biết, Tập đoàn đã ở vị thế sẵn sàng để bước vào giai đoạn “bình thường mới” với việc tích hợp thành công nền tảng tiêu dùng – bán lẻ. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây chính là yếu tố góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chuỗi giá trị tiêu dùng theo xu hướng hiện đại hóa, từ sản phẩm cho đến dịch vụ. Mục tiêu sắp tới của Masan là mở rộng quy mô của “Point of Life” – nền tảng tích hợp từ offline đến online các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, được người tiêu dùng tin yêu. Nhờ đó, Masan sẽ xây dựng nền tảng khách hàng thân thiết, mang đến giá trị vượt trội với tầm ảnh hưởng sâu rộng và giúp người tiêu dùng chi trả ít hơn cho nhu yếu phẩm hàng ngày.
Theo Bùi Tuyết/Thời báo Ngân hàng