Với tính chất là buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư, nhưng các thông tin cơ bản về giá dự kiến, ngày giao dịch chưa được công bố. Lý do Masan MeatLife vẫn đang chờ phê duyệt của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nên chỉ có thông tin ngày dự kiến đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường UpCom là 9/12/2019 tới.
Có lẽ vì lý do đó, các thông tin về hoạt động của Masan MeatLife được quan tâm hơn, quan tâm hơn đó sản phẩm thịt mát MeatDeli được sản xuất như thế nào mà có độ nóng lớn như vậy. Chỉ từ đầu năm, với 39 điểm bán hàng tại Hà Nội mà đến hiện tại MeatDeli đến thời điểm này đã cán mốc 410 điểm bán với sự xuất hiện cả 3 kênh phân phối là cửa hàng do Masan MeatLife đầu tư, 3 siêu thị lớn là Vinmart, Big C, Co.op Mart và các điểm bán nhượng quyền.
Đáng chú ý là số người tiêu dùng lên tới 800.000, và tình trạng “cháy hàng” thường xuyên, đây là những con số có lẽ chính Masan MeatLife cũng không ngờ tới ngay trong năm đầu ra mắt.
Sẽ làm cuộc cách mạng ngành thịt
Người dẫn chính tại buổi roadshow của Masan ngày hôm nay là ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Masan MeatLife. Vẫn phong cách ăn mặc “thoái mái” quen thuộc của các lãnh đạo cao cấp Tập đoàn Masan, áo véc và quần bò, ông Lâm có 1 tiếng để kể chuyển về thịt mát và hoạt động của MML. Câu chuyện dài, nhưng toát lên trong đó sự tự tin rằng, Masan MeatLife sẽ làm được và tốt hơn điều mà Vinamilk đã làm được với thị trường sữa hơn 20 năm trước.
2 mảng trụ cột là thức ăn gia súc và hệ thống sản xuất khép kín lạnh của thịt MeatDeli, câu chuyện của ông Lâm tập trung nhiều hơn vào dòng thịt mát với tiềm năng của dòng sản phẩm này.
Trích số liệu Ngân hàng Thế giới (WB), ông Lâm cho biết, Việt Nam là nước có lượng tiêu thụ thịt lợn cao thứ 2 thế giới, tỷ lệ tăng trưởng 20% trong giai đoạn 2019-2025. “Thịt lợn là mảng lớn nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống – F&B- có giá trị thị trường hơn 10 tỷ USD tại Việt Nam, gấp 2,5 lần thị trường ngành sữa và lớn hơn tất cả các ngành như nước chấm, nước tương, sữa,… của ngành F&B cộng lại”.
“Đây là sự bất cập của thị trường, và Masan với sứ mệnh ‘phụng sự người tiêu dùng’ quyết tâm đầu tư để mang đến sản phẩm thịt có chất lượng châu Âu, có thương hiệu để phục vụ người tiêu dùng Việt”, ông Lâm nói và cho biết:
“Thị trường thịt lợn của chúng ta hiện nay rất giống thị trường sữa cách đây 20 năm, khi cùng tồn tại nghịch lý lớn là không có tiêu chuẩn, hầu hết sản phẩm không có thương hiệu, không có người dẫn đầu thay đổi thị trường. Trong vòng 20 năm, thị trường sữa tăng trưởng gấp 4 lần, một doanh nghiệp nội địa (Vinamilk) vươn lên chiếm hơn 50% thị phần”.
“Chúng tôi nhận định đây là thời cơ rất lớn để mở rộng quy mô, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn chất lượng cao, giá cả hợp lý, đồng thời đón đầu xu hướng tiêu dùng để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vô cùng tiềm năng”.
Mục tiêu của Masan MeatLife là chiếm khoảng 15% thị trường thịt vào năm 2025. “Tôi cho rằng đây là con số bảo thủ, tốc độ mở rộng thị phần sẽ nhanh hơn”, ông Lâm tự tin.
Đang mở rộng với tốc độ rất nhanh
Với kế hoạch hoàn thiện chuỗi 3F từ trang trại tới bàn ăn, Masan MeatLife đã chuẩn bị cho ngày tung sản phẩm ra thị trường khá lâu. Cụ thể, 2 cơ sở sản xuất chính với giá trị đầu tư đều trên nghìn tỷ đồng là trang trai nuôi lợn tại Nghệ An (công suất 280.000-300.000 nghìn con/năm) và nhà máy chế biến thịt tại Hà Nam (công suất chế biến 1,4 triệu con lợn/năm) đã vận hành ổn định, tiếp sang năm 2020 sẽ khánh thành tiếp nhà máy chế biến tại Long An với công nghệ châu Âu y hệt nhà máy tại Hà Nam.
Vấn đề cần làm của Masan MeatLife hiện nay đó là mở rộng nguồn cung cấp thịt lợn cho nhà máy vì hiện trại chăn nuôi tại Nghệ An dù lớn nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, và mở rộng hệ thống phân phối.
Doanh số dự kiến cho năm đầu tiên với thịt MeatDeli là 500-1.000 tỷ đồng cho năm 2019 này. Dự kiến đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50-70% doanh thu của Masan MeatLife.
Trên thị trường có các đơn vị khác cũng làm cùng ngành thịt lợn là CP, tập trung vào lĩnh vực nuôi và bán lợn hơi, hay Vissan (Masan là cổ đông chiến lược) hoạt động trong ngành giết mổ, cung cấp thịt heo thương phẩm cho các chợ, cửa hàng. Và hiện chỉ duy nhất Masan MeatLife làm trong ngành thịt mát.
“Nếu bây giờ có đơn vị nào đầu tư vào ngành này thì cũng cần 2 năm mới có sản phẩm, đây cũng là một lợi thế để Masan MeatLife đi trước và chiếm lĩnh thị trường”, ông Lâm cho biết.
Quy trình để sản xuất thịt mát theo chuẩn châu Âu của Masan MeatLife đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Lợn được nuôi theo quy trình, đảm bảo chất lượng cao và không có các loại thuốc có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Lợn được chuyển về nhà máy, có khoảng 6 tiếng nghỉ ngơi và nghe nhạc, trước khi được giết mổ sẽ được di dạo theo đàn. Giết mổ được thực hiện bằng cách ngạt khí Co2, trong thời gian tính bằng giây. Tất cả các việc này nhằm cho lợn không bị căng thẳng (stress) để có thể cứng cơ hoặc cơ thể sinh ra các chất không có lợi, đồng thời cũng đảm bảo yêu cầu về phúc lợi động vật, tức là không có sự hành hạ trong quá trình giết mổ.