Công ty Masan MEATLife hiện có vốn điều lệ 3.243 tỷ đồng, doanh thu năm gần nhất đạt gần 14.000 tỷ, tương đương Masan Consumer, công ty công bố sáp nhập Vinmart và VinEco.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã thông báo cổ phiếu của Công ty CP Masan MEATLife sẽ chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mã MML từ thứ hai, ngày 9/12 tới.
Trong đó, Masan MEATLife sẽ niêm yết hơn 324,33 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán với giá chào sàn là 80.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá khoảng 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) khi chào sàn.
Đặc biệt, biên độ giao động trong phiên đầu tiên trên sàn UPCoM lên tới 40%, tương ứng thị giá của MML sẽ giao động trong khoảng 48.000-112.000 đồng/cổ phiếu.
Masan MEATLife có gì để định giá hơn 1 tỷ USD?
Theo bản cáo bạch niêm yết doanh nghiệp công bố, Masan MEATLife hiện có vốn điều lệ 3.243 tỷ đồng. Công ty có tổng tài sản và nguồn vốn đạt hơn 13.900 tỷ đồng đến cuối tháng 6.
Tài sản cố định chiếm tỷ lệ lớn nhất, 42% tổng tài sản. Masan MEATLife còn có khoản đầu tư tài chính dài hạn 2.174 tỷ đồng (16%) là tiền đầu tư vào các công ty con và công ty liên kết trong mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi và chế biến thịt…
Ngoài ra, công ty còn gần 1.635 tỷ đồng hàng tồn kho và 1.477 tỷ đồng tiền mặt cùng các khoản tiền gửi ngân hàng khác.
Trong cơ cấu nguồn vốn, Masan MEATLife ghi nhận 7.415 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Ngoài vốn điều lệ 2.162 tỷ đồng (hồi tháng 6), khoản mục lớn tại đây còn 3.200 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Trong khi đó, lãi lũy kế để lại từ các năm của công ty là 147 tỷ đồng.
Công ty cũng đang có khoản nợ phải trả 6.495 tỷ đồng, trong đó 4.254 tỷ đồng (65%) là vay và nợ thuê có phát sinh lãi suất.
Masan MEATLife hiện hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con. Công ty mẹ đóng vai đầu tư, tư vấn quản lý và hoạt động thương mại mua bán hàng hóa (chủ yếu là thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản). Trong khi đó, các công ty con đảm nhiệm vai trò sản xuất từ thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt…
Masan MEATLife đang kinh doanh ra sao?
Trong năm gần nhất (2018), Masan MEATLife ghi nhận 13.977 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 25% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ công ty mẹ chiếm 38%, còn lại là từ các công ty con. Mức doanh thu tại công ty này tương đương với doanh thu của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (công ty con khác của Masan) giai đoạn 2014-2017.
Theo lãnh đạo công ty, doanh thu năm 2018 giảm do hộ chăn nuôi heo tái đàn chậm hơn dự kiến, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng thức ăn gia súc bán ra.
Cùng năm, công ty ghi nhận biên lãi gộp đạt 15%, thấp hơn mức 21,4% của năm 2017. Nguyên nhân đến từ việc giá vốn cho các nguyên liệu bắp, đậu nành, gạo… tăng. Đây cũng là lý do khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty giảm gần 71%, đạt 232 tỷ đồng.
Nửa đầu năm nay, Masan MEATLife ghi nhận 6.741 tỷ doanh thu thuần, tương đương cùng kỳ. Nhờ cải thiện biên lãi gộp so với kỳ trước mà lãi sau thuế kỳ này của công ty tăng 29%, đạt 234 tỷ đồng.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 123 tỷ và cổ đông không kiểm soát là 111 tỷ đồng. Chỉ số lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) nửa đầu năm là 567 đồng/cổ phiếu.
Tạm tính theo mức EPS này, chỉ số giá trên/thu nhập cổ phiếu (P/E) của cổ phiếu MML trong phiên giao dịch đầu tiên lên tới 181 lần.
Nếu tính trên bảng cân đối kế toán của công ty mẹ – Masan MEATLife, lãi sau thuế nửa năm vừa qua của công ty mẹ đạt 236 tỷ đồng và vẫn còn lỗ lũy kế 2.120 tỷ đồng.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tham vọng gì với Masan MEATLife?
Theo kế hoạch của ban lãnh đạo Masan MEATLife, đến năm 2022, công ty sẽ là nhà sản xuất, phân phối thịt mát đóng gói có thương hiệu lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam, với doanh thu khoảng 2-3 tỷ USD (50% trong đó đến từ thịt heo) và lợi nhuận sau thuế khoảng 200-450 triệu USD.
Theo đó, thị trường thịt heo trong nước hiện nay có quy mô khoảng 10 tỷ USD và không có người dẫn đầu, 99% sản phẩm không có thương hiệu. Trong đó, lộ trình doanh nghiệp này đề ra là đến năm 2020, công ty sẽ chiếm 3% thị phần sản lượng tiêu thụ thịt heo cả nước và tăng lên 10% vào năm 2022.
Đến cuối tháng 11, công ty đang sở hữu 28 cửa hàng trực tiếp, sản phẩm có mặt tại 77 siêu thị (hầu hết là Vinmart) và 311 điểm bán. Dự kiến đến cuối năm sẽ nâng lên con số 45 cửa hàng, 130 siêu thị và 375 điểm bán. Đến năm 2022, công ty sẽ sở hữu khoảng 5.000 điểm bán lẻ mát và 200.000 điểm bán truyền thống.
Trong kế hoạch phát triển số điểm bán, khi nâng số lượng cửa hàng lên 200 điểm, Masan MEATLife ước tính doanh thu mỗi cửa hàng sẽ vào khoảng 400.000-500.000 USD trong khi chi phí đầu tư ban đầu khoảng 25.000-40.000/cửa hàng và chi phí vận hành 5.000 USD/tháng.
Với 260 điểm bán trong siêu thị, công ty chỉ tốn chi phí hoạt động 1.000 USD/tháng và ghi nhận doanh thu khoảng 150.000-200.000 USD/cửa hàng. Còn 1.200 đại lý nhượng quyền sẽ mang về cho công ty 80.000-100.000 USD/cửa hàng dù công ty không tốn chi phí hoạt động nào.
Riêng năm 2019, công ty ước tính EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) sẽ đạt khoảng 65 triệu USD và sẽ tăng lên 100 triệu USD vào năm 2022.
Masan MEATLife tiền thân là Công ty Masan Nutri – Science, công ty con thuộc Tập đoàn Masan chuyên trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi. Trong cơ cấu cổ đông hiện nay, có 3 cổ đông lớn gồm Công ty CP Tập đoàn Masan nắm 79,32%; Công ty TNHH Tầm nhìn Masan nắm 7,95%; và Consumer Meat II Pte.Ltd nắm 7,14%.
Masan MEATLife hiện cũng nắm trong tay chuỗi giá trị hoàn chỉnh theo mô hình 3F (từ nông trại đến bàn ăn) với 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổng công suất 3 triệu tấn/năm, trang trại chăn nuôi với sản lượng 230.000 con/năm và một tổ hợp chế biến thịt công suất 1,4 triệu con/năm, tương đương 140.000 tấn theo tiêu chuẩn châu Âu.
Theo Quang Thắng/Zing.vn