Categories Doanh nghiệp

Masan lãi kỷ lục nhờ thắng kiện 130 triệu USD

Doanh thu không tăng so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế quý III của Masan đã tăng 2,6 lần nhờ khoản thu nhập từ vụ thắng kiện của công ty con với Tập đoàn Jacobs (Australia).

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan vừa công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận ròng sau thuế tăng hơn 2,6 lần so với cùng kỳ.

Nguyên nhân giúp lợi nhuận kỳ này tăng trưởng không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ tiền thu được sau một vụ kiện tại công ty con Masan Resources.

Thắng kiện 130 triệu USD

Cụ thể, 3 tháng gần nhất, tập đoàn này ghi nhận 9.224 tỷ đồng doanh thu, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp của Masan kỳ này cũng giảm từ mức 29,4% (quý III/2018) xuống 26% khiến lợi nhuận gộp giảm hơn 12%, đạt 2.432 tỷ đồng.

Nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 6 lần (do phát sinh thu nhập từ việc phát hành lại cổ phiếu quỹ của một công ty liên kết và doanh thu khác) cùng với khoản thu nhập khác phát sinh gần 1.220 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận trước thuế của Masan đạt 2.667 tỷ đồng, tăng 143%.

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế của tập đoàn này cũng đã tăng 164% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 2.425 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận ròng trong quý cao nhất từ trước đến nay mà tập đoàn này thu về được.

Phần lợi nhuận tăng đột biến được lãnh đạo công ty cho biết đến từ vụ kiện tại trọng tài quốc tế của công ty con Masan Resources. Theo đó, giữa tháng 9, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (công ty con của Masan Resources) đã dàn xếp xong vụ kiện với đối tác Jacob E&C Australia (công ty con của Jacobs Group) tại trọng tài quốc tế.

Theo thỏa thuận, đối tác ngoại đã hoàn tất thanh toán 130 triệu USD bồi thường hợp đồng cho phía Núi Pháo. Chính khoản thu nhập này đã giúp lợi nhuận ròng trước thuế quý III năm nay của Tập đoàn Masan gấp nhiều lần so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng, tập đoàn đạt 27.423 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ số thu cùng kỳ. Khoản lợi nhuận trước và sau thuế của tập đoàn này lần lượt đạt 5.084 tỷ đồng và 4.616 tỷ đồng, cùng tăng 6%.

Bật mí điều khoản để nhận đầu tư từ đối tác Hàn

Ngoài kết quả kinh doanh 9 tháng, báo cáo tài chính của Masan cũng tiết lộ điều khoản về phần vốn nhận được từ SK Group (Hàn Quốc) vào cuối năm trước.

Cụ thể, Masan hiện có hơn 11.084 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, là số vốn mà tập đoàn thu được từ tháng 10/2018 sau khi tái phát hành hơn 109,8 triệu cổ phiếu quỹ cho SK Investment Vina I Pte.Ltd (trực thuộc SK Group) với giá 100.000 đồng/cổ phiếu.

Khoản đầu tư của SK Group vào Masan có kèm điều khoản mua lại từ năm thứ 5-6 nếu hợp tác không tạo ra giá trị. Ảnh: SK.

Cùng với khoản đầu tư này, Masan cấp cho SK quyền yêu cầu tập đoàn hoặc bên thứ ba do Masan chỉ định mua lại toàn bộ số cổ phiếu quỹ nói trên từ năm thứ 5 hoặc 6. Theo đó, quyền trên sẽ được áp dụng trong trường hợp SK Group xác định rằng sự hợp tác với Masan không tạo ra giá trị và hiệp lực, hoặc tập đoàn phía Hàn Quốc bất đồng với định hướng phát triển chiến lược của đối tác Việt Nam.

Tuy nhiên, quyền chọn bán này sẽ mất hiệu lực nếu SK Group bán bất kỳ cổ phiếu nào trong số cổ phiếu quỹ đã mua, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.

Tập đoàn Masan hiện là doanh nghiệp trung tâm trong hệ sinh thái doanh nghiệp của hai tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh. Hiện tại, ông Quang đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại Masan, trong khi ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch Techcombank, nơi Masan là cổ đông lớn nhất nắm 15% vốn điều lệ.

Ngoài khoản đầu tư vào Techcombank với giá gốc gần 4.400 tỷ, Masan hiện còn sở hữu 85,7% vốn tại Masan Consumer Holdings (công ty mẹ của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan) với giá gốc 517 tỷ; 99,9% vốn tại Công ty Tầm nhìn Masan giá gốc 11.950 tỷ; và 79,7% vốn tại Công ty CP Masan MEATLife với giá gốc 2.045 tỷ đồng.

Theo Quang Thắng/ Zing.vn

Print Friendly, PDF & Email