M&A sẽ nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư

“Sell in May and go away” – câu nói đó không chỉ đúng với chứng khoán quốc tế mà cũng đã phần nào nói lên tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư chứng khoán trong nước trong tháng 5. Dù vậy năm nay thị trường tài chính lại khuấy động với vô số các thương vụ “mega” M&A. Điều đó mang lại cảm xúc hưng phấn cho các nhà đầu tư và có thể là đòn bẩy để chứng khoán tiến lên một tầm cao mới.

Điển hình cho làn sóng M&A là gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba tung ra 400 triệu USD vào nền tảng bán lẻ CrownX của Masan. Giao dịch này cũng giúp định giá của Crown X lên tới 7,3 tỷ USD, mức thậm chí còn cao hơn cả công ty mẹ Masan Group. Hơn thế nữa, Masan còn cho biết thêm rằng đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá từ 300 – 400 triệu USD vào CrownX. Giao dịch dự kiến hoàn tất trong năm 2021.

ma se nang do tam ly nha dau tu

Sự có mặt đầy bất ngờ của Alibaba có thể giúp hoàn thiện hệ sinh thái bán lẻ của Masan, khi vừa sở hữu được hệ thống cửa hàng Vinmart, Vinmart+, vừa tận dụng được kênh bán online xuyên biên giới của Alibaba. Điển hình là theo các chuyên gia, Lazada là nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á của Alibaba. Khi đó chuỗi cửa hàng tiện lợi VinCommerce và VinMart sẽ là nhà bán lẻ hàng tạp hóa được ưa chuộng trên Lazada tại Việt Nam và các điểm bán hàng của chuỗi cửa hàng này sẽ được sử dụng làm điểm nhận hàng cho các đơn hàng trực tuyến.

Thị trường tài chính còn chuẩn bị đón nhận một thương vụ M&A khác là Tập đoàn Thaco Group của tỷ phú ô tô Trần Bá Dương dự kiến sẽ mua lại chuỗi siêu thị Emart (Hàn Quốc) tại Việt Nam. Sau khi tiếp quản siêu thị này, Thaco sẽ đẩy mạnh mở rộng việc phát triển hệ thống siêu thị này với vai trò là chủ đầu tư mới và là người mua nhượng quyền, trong khi các hoạt động vận hành, quản lý, thu mua của chuỗi vẫn được giữ nguyên như trước đây. Hiện cả bên mua và bên bán vẫn đang tiếp tục đàm phán các điều khoản còn lai và thương vụ này dự kiến sẽ được ký kết trong tháng 5 này.

Ngoài ra con nhiều thương vụ lớn khác như Sumitomo mua 49% cổ phần của FE Credit trong một thương vụ tỷ USD; Tập đoàn SK Group rót 410 triệu USD vào VinCommerce hay nhà đầu tư Nhật ENEOS Corporation đăng ký mua thêm 25 triệu cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để tăng tỷ lệ sở hữu lên gần 5%…

Có thể thấy ngay cả khi làn sóng Covid-19 thứ tư chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu quay trở lại với những chiến lược kinh doanh dài hạn tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt với nhu cầu bị dồn nén bấy lâu nay và được ủng hộ bởi môi trường lãi suất thấp và chính sự khó khăn của nhiều doanh nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng bán lẻ SME bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid nên các doanh nghiệp lớn sẽ mở rộng được thị phần, M&A với các doanh nghiệp nhỏ khác với giá hợp lý”, Công ty Chứng khoán BSC nhận định.

Theo Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập, thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 – 2022. Cụ thể, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 – 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021.

Dòng tiền từ các M&A có thể giúp giảm bớt sức ép giảm điểm cho VN-Index sau giai đoạn tăng nóng từ đầu năm đến nay. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường chứng khoán tháng 5 có thể tiếp tục tích lũy đi lên và VN-Index thậm chí có thể đạt đến 1.370 điểm. Trong khi, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể hướng lên vùng 1.350 – 1.400 điểm trong tháng 5. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng chỉ số quay về ngưỡng hỗ trợ mạnh là 1.200 điểm nếu gặp rủi ro tiềm ẩn như dịch Covid-19 bùng phát hay lạm phát lên cao.

Theo Nam Minh/Thời báo Ngân hàng