Thị trường chứng khoán trong nước ngày 10/2 ngược dòng thành công vào những phút cuối phiên, dù thanh khoản giảm nhẹ và áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại. Động lực chính đưa thị trường duy trì chuỗi tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp và hướng tới trọn một tuần tăng sau kỳ nghỉ lễ kéo dài vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,41 điểm (+0,09%) lên 1.506,79 điểm, trong khi đó chỉ số VN30 sụt 3,49 điểm (-0,22%) còn 1.548,95 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 209 mã tăng/226 mã giảm, ở rổ VN30 có 11 mã tăng/16 mã giảm. Nhóm Midcap và Smallcap vẫn duy trì đà phục hồi, lần lượt tăng nhẹ 0,18% và 0,57%.
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ thị trường phiên này là: GAS (+1,82%), MSN (+2,05%), DIG (+6,89%), VCB (+0,55%), SAB (+2,08%)… đã bù đắp áp lực giảm giá ở các cổ phiếu khác như: VIC (-1,98%), VHM (-1,72%), VPB (-1,08%), HPG (-0,63%), SHB (-2,07%)…
Thanh khoản khớp lệnh sàn HSX giảm còn 20.116 tỷ đồng so với mức 23.651 tỷ đồng ở phiên hôm qua. Tuy nhiên, dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn là trụ chính của thị trường, vẫn cao hơn so với bình quân 15 phiên gần nhất.
Khối ngoại bán ròng 705 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu như VIC, HPG, NVL, KBC, DXG. Ở chiều ngược lại, ETF Diamond, VGC, VCB, HDB, VNM… là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.
Công ty CP Chứng khoán MBS cho biết, thị trường vẫn duy trì đà tăng và hướng tới trọn một tuần tăng sau kỳ nghỉ lễ kéo dài bất chấp áp lực ép cổ phiếu trụ. Việc thanh khoản giảm trong phiên hôm nay phù hợp với biên độ dao động hẹp của chỉ số. Thị trường phái sinh đang thu hẹp basic trong khi một số cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đã điều chỉnh về vùng hỗ trợ sẽ là lực kéo giúp thị trường hồi phục trong các phiên sắp tới.
“Trong các nhóm dẫn dắt thị trường, chúng tôi vẫn cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng đang duy trì mạch tăng vững chắc. Trong 11 phiên vừa qua, nhóm cổ phiếu này chỉ có 2 phiên điều chỉnh nhẹ. Do vây, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm xu hướng thị trường vẫn tích cực và chỉ số VN-Index có nhiều cơ hội để tiến về đỉnh cũ 1.530 điểm”, đại diện MBS nhận định.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, sau tín hiệu đà tăng chậm lại từ hôm qua, thị trường hôm nay tiếp tục giằng co với biên độ hẹp. Mặc dù một số mã vốn hóa lớn mất điểm gây tác động tiêu cực lên thị trường chung như VIC, VHM, VPB, HPG, VJC, SHB… nhưng ngược lại cũng có một số mã tăng tốt giúp hạn chế áp lực giảm điểm như GAS, VCB, SAB, GVR, CTG, POW, MBB.
Nhóm thép – tôn mạ hôm nay giảm trở lại trước cung chốt lời. Nhóm chứng khoán có sắc đỏ chiếm chủ đạo. Nhóm ngân hàng phân hóa với trạng thái cân bằng sau phiên chịu áp lực hôm qua. Dệt may, thủy sản, khu công nghiệp là các nhóm cũng không ghi nhận diễn biến nào đáng chú ý trong phiên này.
Giá dầu tăng trở lại giúp các cổ phiếu dầu khí nhận được cầu giá xanh nên diễn biến tích cực hơn thị trường chung. Hầu hết các mã dầu khí đều tăng điểm khá tốt từ 15-3%. Riêng nhóm bất động sản vẫn tiếp đà giao dịch sôi động với các mã tăng gần sát trần như CEO, DIG, DPG, NBB…
Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) thì cho biết, dòng tiền thận trọng, VN-Index đối mặt với lực bán gia tăng, dòng tiền phân hóa trên diện rộng. Sự phân hóa diễn ra không chỉ giữa các nhóm ngành mà còn giữa các cổ phiếu trong từng ngành. Trong khi GAS, MSN nỗ lực giữ trụ thị trường thì VIC, VHM lại giảm mạnh và có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index.
Tuy nhiên, lực cầu xuất hiện cuối phiên giúp thị trường phủ nhận phần lớn diễn biến giảm điểm trong phiên chiều. Trong đó, dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu bluechip, ngân hàng và họ nhà Vin khi các cổ phiếu này giảm sâu. Sự thiếu vắng dòng dẫn dắt rõ ràng trong bối cảnh thị trường phân hóa mạnh cho thấy dòng tiền đang trở nên thận trọng hơn.
“Về kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 10/2 mặc dù ghi nhận bóng nến dưới dài nhưng VN-Index vẫn kết phiên với một nến giảm và diễn biến hồi phục chỉ xuất hiện vào những phút cuối phiên. Do đó, áp lực bán trong phiên đã trở nên mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh diễn biến tăng điểm không được ủng hộ bởi dòng tiền, áp lực bán gia tăng khi lên những vùng giá cao có thể sẽ khiến đà tăng của VN-Index chững lại”, đại diện VFS nhận định.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng