Lợi nhuận tăng mạnh, OCB gây bất ngờ vì trả “lương công nhân” thấp

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ghi tên mình vào danh sách các đơn vị có tốc độ tăng trưởng mạnh trong quý 3/2019. Tuy nhiên, OCB lại gây bất ngờ vì trả “lương công nhân” thấp, chỉ hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 với tín hiệu lạc quan. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng vậy khi ghi tên mình vào danh sách các đơn vị có tốc độ tăng trưởng mạnh trong quý 3/2019. Thế nhưng, điều OCB khiến cổ đông chú ý không phải lợi nhuận sau thuế được cải thiện mà chính là mức lương “bèo bọt” đến không ngờ.

OCB lại gây bất ngờ vì trả “lương công nhân”, chỉ hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nếu so với năm 2018, người lao động OCB vẫn có lý do để “vui mừng” vì họ được tăng lương “siêu tốc”.

Trả “lương công nhân”

Nhân sự và lương thưởng tại OCB đang được chú ý. Trong khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh tuyển dụng thì OCB lại cắt giảm nhân sự. Tại thời điểm 30/9/2019, ngân hàng OCB có 6.140 người, giảm 941 người so với cuối quý trước. Trong toàn hệ thống OCB, nhân sự giảm 941 người. Điều đó có nghĩa toàn bộ nhân sự nghỉ việc đều tập trung ở ngân hàng.

Trong khi mạnh tay cắt giảm nhân sự, quỹ lương dành cho người lao động trong quý 3/2019 tăng nhẹ lên gần 139 tỷ đồng. Bình quân, mỗi nhân sự được trả 22,6 triệu đồng/người/3 tháng, tương đương 7,52 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức lương tương đương thu nhập của công nhân.

Người lao động OCB dễ “tủi thân” khi so với thu nhập tại một số ngân hàng khác. Hiện tại, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang đứng đầu danh sách “Ngân hàng nội trả lương cao nhất” với 34 triệu đồng/người/tháng. Đứng sau là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) với 33 triệu đồng/người/tháng.

Điều khó hiểu là hiện tại, lợi nhuận của OCB đang được cải thiện rất nhiều. Không hiểu tại sao OCB vẫn áp dụng chính sách lương thấp.

Lợi nhuận tăng chóng mặt

Điều khó hiểu là hiện tại, lợi nhuận của OCB đang được cải thiện rất nhiều. Không hiểu tại sao OCB vẫn áp dụng chính sách lương thấp. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 của OCB, các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đều có nhiều cải thiện lớn.

Lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 của OCB đạt 660 tỷ đồng, tăng 224 tỷ đồng, tương ứng 51,4% so với quý 3/2018, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.554 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 1.477 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập lãi thuần, dịch vụ và mua bán chứng khoán đầu tư là các hoạt động mang lại lợi nhuận cao nhất và có tốc độ tăng trưởng tốt nhất tại OCB. Trong đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh từ 167 tỷ đồng lên 341 tỷ đồng.

Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và kinh doanh ngoại hối giảm đáng kể. Lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối giảm mạnh từ 52 tỷ đồng xuống chỉ còn 537 triệu đồng. Trong quý 3 năm nay, nhiều ngân hàng cùng chung cảnh kinh doanh ngoại hối thụt lùi.

OCB đã thúc đẩy tốt cả mảng huy động vốn và tín dụng. Chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng tăng. Chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 67.976 tỷ đồng, tăng 11.659 tỷ đồng, tương ứng 20,7% so với thời điểm đầu năm. Có thể thấy, OCB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh nhất.

Tuy nhiên, đi cùng với tăng trưởng tín dụng là nợ xấu. Tại thời điểm 30/9/2019, tổng nợ xấu tại OCB là 1.778 tỷ đồng, chiếm 2,62% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, hồi đầu năm, các chỉ tiêu này là 1.288 tỷ đồng, tương ứng 2,29%. Nợ xấu tại OCB tăng mạnh cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ.

Nợ xấu tăng mạnh nhưng trong kỳ, OCB không mạnh tay cho dự phòng. Trong quý 3, dự phòng rủi ro tín dụng tại OCB chỉ là 189 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 133 tỷ đồng hồi quý 3/2018, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.943 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại OCB cao hơn nhiều so với lợi nhuận sau thuế.

Theo Bảo Linh – Vân Thư/Người tiêu dùng