Vượt quy định pháp lý, không đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động SCIC vẫn muốn bỏ tiền nhà nước vào Vietnam Airlines, dẫn tới nghi ngại vốn nhà nước sẽ bị sử dụng trái quy định.
Những dấu hỏi lớn sau tuyên bố muốn đầu tư vào Vietnam Airlines của SCIC
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) đang phải đối diện với bài toán thua lỗ, nguy cơ mất thanh khoản.
Theo kế hoạch, ngày 29/6/2020, Vietnam Airlines sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Thông tin này đã được phát ra, và thông báo rộng rãi trên website cũng như Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, nơi cổ phiếu HVN đang niêm yết. Theo quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, chậm nhất ngày 19/6/2020, Vietnam Airlines phải công bố thông tin các tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông. Thế nhưng, đến hết ngày 22/6/2020, Tổng Công ty vẫn chưa thực hiện công bố thông tin các tài liệu này.
Nếu nhìn vào diễn biến thông tin gần đây cho thấy, một trong những vấn đề đặc biệt đáng quan tâm kỳ họp Đại hội đồng cổ đông lần này của Vietnam Airlines là các vấn đề tài chính, trong đó có vấn đề tăng vốn và huy động vốn vay (tín dụng/trái phiếu). Đặc biệt, việc có hay không việc phát hành cổ phiếu cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC, như tuyên bố đề nghị được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào Vietnam Airlines của ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC ngày 11/6/2020 đang là một ẩn số.
Vấn đề đặt ra là hình thức nào để SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines, khi Vietnam Airlines đã tuyên bố xin chủ trương phát hành cho cổ đông hiện hữu?
Hiện tại, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban quản lý vốn) là cổ đông nhà nước, cũng là cổ đông lớn nhất sở hữu 86,19% vốn điều lệ Vietnam Airlines. Như vậy, khi Vietnam Airlines thực hiện chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, thì SCIC sẽ có thể tham gia được, khi nhận lại quyền mua cổ phần từ Uỷ ban quản lý vốn. Tuy nhiên, do SCIC và Uỷ ban quản lý vốn là 2 pháp nhân độc lập, nên việc thực hiện chuyển nhượng quyền mua giữa 2 tổ chức này cần phải thực hiện thông qua việc đấu giá công khai, hoặc thoả thuận trực tiếp trong trường hợp không đủ thời gian thực hiện nhưng phải đảm bảo “nguyên tắc giá thị trường và có hiệu quả”. Như thế nào là giá thị trường và có hiệu quả, thì lại là một vấn đề cần xem xét.
Không chỉ vượt quy định pháp lý, việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines còn có dấu hiệu không đúng với tôn chỉ, mục đích, thẩm quyền của SCIC.
Thẩm quyền phê duyệt đầu tư của SCIC phải tuân thủ theo các mức, tham chiếu theo quy định hạn mức các dự án nhóm B theo quy định tại Điều 8, 9 Luật Đầu tư công. Nếu chiếu theo quy định này, thì việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines (nếu có) là ngoài danh mục các dự án nhóm B của Luật Đầu tư công.
Khoản 6 Điều 4 Nghị định 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quy định: “Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật”.
Vietnam Airlines ở thời điểm này khó có thể được coi là ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao, khi mà DN này đang phải đối diện với bài toán thua lỗ, nguy cơ mất thanh khoản.
Phát ngôn của đại diện Vietnam Airlines hồi đầu tháng 6 cho biết, ước tính cả năm 2020, Vietnam Airlines lỗ 15.000-16.000 tỷ đồng trên vốn điều lệ hơn 14.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu không có vốn mới, Vietnam Airlines sẽ lỗ lớn hơn vốn điều lệ, và gần hết vốn chủ sở hữu. Các năm trước đó, lợi nhuận của Vietnam Airlines chưa bao giờ được coi là vượt trội so với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.
Vi phạm tôn chỉ hoạt động, doanh nghiệp mục tiêu có hiệu quả kinh doanh thua kém… và lịch sử kinh doanh chưa khi nào vượt trội trong nền kinh tế, vậy tại sao SCIC vẫn muốn bỏ tiền nhà nước vào Vietnam Airlines?
Nghi ngại vốn nhà nước sẽ bị sử dụng trái quy định pháp luật?
Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội nêu rõ, “kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của chính quyền địa phương; bố trí nguồn bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn….”
Nếu chiếu theo quy định này, Quốc hội đã thông qua việc không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, Điều 16 Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định về phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hữu hạn từ 2 thành viên trở lên quy định 2 trường hợp được đầu tư bổ sung vốn nhà nước. Trong đó, trường hợp 1 là doanh nghiệp không thu hút được các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đối với doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; và trường hợp 2 là cần thiết phải duy trì để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Vietnam Airlines là Tổng công ty hàng không quốc gia, nhưng không phải 2 trường hợp này.
Xét cả dưới góc độ hiệu quả của khoản đầu tư, lẫn các quy định pháp lý hiện hành, việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines đều không phù hợp, vượt qua rất nhiều quy định pháp lý, và kém hiệu quả về kinh tế.
Đáng lưu ý, câu chuyện thất thoát vốn nhà nước tại dự án Tisco và hành động rút vốn của SCIC tại dự án này từ năm 2019 vẫn còn đó. Bài học kinh nghiệm vẫn còn chưa nguội, SCIC lại muốn “đi vào vết xe đổ” Tisco, tiếp tục rót hàng nghìn tỷ đồng vào Vietnam Airlines?
Ngày Nay tiếp tục cập nhật thông tin.