Lo ngại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, VN-Index mất gần 25 điểm

Kết thúc phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại ngưỡng 1.268,83 điểm (-1,92%). VN30 cũng đóng cửa tại mức thấp nhất trong ngày, đạt 1.401,53 điểm (-1,89%) với 26 mã cổ phiếu giảm điểm.

Theo số liệu của Bộ Y Tế, sáng ngày 23/07 Việt Nam ghi nhận thêm 3.898 ca dương tính Covid-19, trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh là 3.302 trường hợp. Tính từ khi bắt đầu bùng phát làn sóng Covid-19 lần thứ 4, tổng số ca nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam là 74.519 ca, ghi nhận ở 62 tỉnh thành.

Trong động thái gần nhất, Ban thường vụ Tỉnh ủy TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 12, nhằm tăng cường một số biện pháp cấp bách để phong tỏa tốc độ lây lan của dịch bệnh trong 2 tuần tới. TP. Hồ Chí Minh cũng vừa trải qua 2 tuần áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

lo ngai dich covid 19 dien bien phuc tap vn index mat gan 25 diem

Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, lo ngại về dịch bệnh kéo theo diễn biến thận trọng quay trở lại với VN-Index. Chỉ số chủ yếu vận động dưới tham chiếu trong phiên sáng trước khi nới rộng mức giảm vào phiên chiều. Kết thúc phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại ngưỡng 1.268,83 điểm (-1,92%). VN30 cũng đóng cửa tại mức thấp nhất trong ngày, đạt 1.401,53 điểm (-1,89%) với 26 mã cổ phiếu giảm điểm.

Sắc đỏ chiếm ưu thế tuy nhiên thị trường vẫn ghi nhận các nhóm cổ phiếu cho tín hiệu tích cực. Với riêng rổ VN30, có 4 cổ phiếu vẫn duy trì sắc xanh là FPT, VNM, STB, POW. Xét theo nhóm ngành, lĩnh vực Phân bón diễn biến khả quan khi chứng kiến BFC tăng 3%, DCM tăng 1,1%, LAS tăng 4,6%… Vận động của nhóm Phân bón được nâng đỡ tích cực bởi giá ure thế giới liên tục ghi nhận các mức đỉnh mới trong năm 2021. Tăng giá cũng là trạng thái chính tại một số cổ phiếu Dệt may như MSH (+2,1%), STK (+5,8%), GIL (+4%)…

Khối lượng khớp lệnh trên HoSE tăng 11,6%, đạt 550,8 triệu đơn vị. Với riêng nhóm VN30, thanh khoản tăng mạnh so với 2 phiên liền trước, đạt 243,4 triệu cổ phiếu, tiệm cận mức bình quân 20 phiên. Khối lượng tăng lên đáng kể trong phiên biến động cho thấy một bộ phận dòng tiền đang thận trọng hơn về diễn biến ngắn hạn của thị trường.

Khối ngoại bán ròng -204 tỷ đồng trên HoSE, giao dịch tập trung vào VIC (-187,8 tỷ đồng), bên cạnh KDH (-74,8 tỷ đồng), HPG (-40,6 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên mua ròng MSB (+129 tỷ đồng), VNM (+106,7 tỷ đồng), DGC (+78 tỷ đồng).

Công ty CP Chứng khoán BSC cũng cho biết, sau phiên tăng điểm hôm qua, VN-Index điều chỉnh trong phiên giao dịch hôm nay. Dòng tiền đầu tư thoát khỏi thị trường khi chỉ có 1/19 nhóm ngành vận động khả quan so với phiên trước. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX và mua ròng tại sàn HNX. Thanh khoản thị trường suy yếu và độ rộng thị trường ở trạng thái tiêu cực cho thấy tâm lý tiêu cực vấn đang chủ đạo các hoạt động giao dịch. Xét các phiên giao dịch gần đây, thanh khoản thị trường trong các phiên điều chỉnh tăng khá nhiều so với các phiên hồi phục. BSC cho rằng xu hướng tăng điểm vẫn chưa được xác lập và vận động tích lũy trong vùng 1.250-1.300 điểm vẫn sẽ kéo dài.

Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, áp lực bán gia tăng mạnh khiến thị trường giảm điểm trong hầu hết thời gian giao dịch phiên hôm nay. Về cuối phiên, đặc biệt là phiên ATC, hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh khiến VN-Index kết thúc phiên cuối tuần mất gần 25 điểm. Kết thúc phiên, VN-Index giảm 24,84 điểm (1,92%) xuống 1.268,83 điểm, HNX-Index giảm 1,37% xuống 301,77 điểm, UPCoM-Index giảm 1,4% xuống còn 84,37 điểm.

Các cổ phiếu trụ cột như VIC, VCB, VHM, HPG, TCB, MSN, SSI… đồng loạt giảm sâu, đã tạo áp lực lớn lên các chỉ số. Nhiều nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng, dầu khí, bán lẻ, vận tải… chìm trong sắc đỏ. Ở chiều ngược lại, nỗ lực tăng điểm của STB, POW, FPT, VNM cùng sự bứt phá mạnh của cổ phiếu ngành hóa chất như DGC, CSV, HVT… cũng không đủ để hỗ trợ các chỉ số. Thanh khoản thị trường tiếp tục hồi phục với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 22.700 tỷ đồng.

Nhận định thị trường cơ sở, BOS cho biết, chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều, trong đó thị trường Trung Quốc giảm điểm mạnh khi các cổ phiếu công nghệ đồng loạt giảm mạnh. Thị trường Việt Nam chịu áp lực bán ngay từ đầu phiên, đặc biệt là trong phiên ATC đã khiến các chỉ số đồng loạt lao dốc. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư gia tăng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh là nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm mạnh.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index giảm mạnh và mất vùng hỗ trợ quanh mốc 1.280 điểm trong phiên hôm nay. Điều này khiến các chỉ báo kỹ thuật như MACD, RSI, ROC, Stoch,…tiếp tục cho thấy sự lấn át của xu thế giảm trong ngắn hạn. Dù vậy, dòng tiền hồi phục giúp thanh khoản tăng trở lại ở vùng giá thấp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các chỉ số trong các phiên tới.

Nhiều khả năng, VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh trong các phiên đầu tuần tới và không loại trừ khả năng kiểm định lại đáy cũ quanh vùng 1.220-1.230 điểm. Vì vậy, nhà đầu tư ưu tiên tăng cường quản trị rủi ro danh mục và chỉ giải ngân cho các mục tiêu ngắn hạn khi có tín hiệu hồi phục rõ ràng từ thị trường quanh vùng hỗ trợ trên.

Liên quan đến thị trường phái sinh, các hợp đồng phái sinh quay đầu giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/7. Hợp đồng F2108 giảm 26,1 điểm xuống 1.401 điểm. Trong phiên, hợp đồng này có thời điểm tăng lên vùng 1.430 điểm nhưng do chịu áp lực bán mạnh khiến hợp đồng này quay đầu giảm điểm. Điểm basic hợp đồng này vẫn ở trạng thái âm nhưng thu hẹp còn 0,53 điểm cho thấy nhà đầu tư không quá bi quan.

trên thị trường cơ sở, chỉ số VN30-Index nới rộng đà giảm trong phiên chiều. Bên bán áp đảo bên mua về cuối phiên khiến chỉ số này giảm gần 27 điểm về 1.401,53 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật MACD, RSI, MFI, STO… phát đi những tín hiệu tiêu cực về xu hướng thị trường sau phiên hôm nay. Rủi ro tiếp tục điều chỉnh đang ở mức cao và chỉ số có thể sẽ kiểm định lại vùng đáy cũ 1.360-1.370 điểm trong ngắn hạn. Vì vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên mở lệnh SHORT nếu vùng 1.400 điểm bị phá vỡ, kèm theo sự suy yếu của dòng tiền.

Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email