Theo khảo sát của của CBRE châu Á với hơn 150 nhà bán lẻ, Việt Nam là thị trường mục tiêu hàng đầu được các doanh nghiệp này lựa chọn để mở rộng kinh doanh.
Thị trường tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam đang phục hồi nhanh trong bối cảnh bình thường mới. Cùng điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, nhiều “ông lớn” tiêu dùng – bán lẻ đã có những chiến lược nhằm thích ứng liên tục, đón đầu xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Thị trường hấp dẫn hàng đầu khu vực
Tổng cục Thống kê ghi nhận hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng 4 khá sôi động với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Giới phân tích nhìn nhận, Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực sẽ là điều kiện thuận lợi thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển. Theo các thống kê, từ năm 2019 trở về trước, thị trường bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trên 10%/năm. Thậm chí năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19, bán lẻ Việt Nam vẫn tăng thêm hơn 11 tỷ USD so với 2019, đạt hơn 172 tỷ USD. Trong 5 đến 10 năm tới, doanh thu của các nhà bán lẻ hàng đầu dự đoán gấp 3 lần so với hiện tại.
Ông Vivek Kaul – Giám đốc ngành bán lẻ CBRE tại châu Á – nhận định, với bối cảnh ngành bán lẻ tiếp tục chuyển dịch trong thời bình thường mới, các doanh nghiệp cần phải thích nghi và thay đổi để duy trì lợi thế cạnh tranh và nắm bắt cơ hội bứt phá.
Đầu tiên, trải nghiệm khách hàng trở thành lợi thế cạnh tranh sống còn. Các doanh nghiệp bán lẻ cần đầu tư hơn trong việc tạo ra hành trình mua sắm lý tưởng. Mỗi điểm chạm cần được cá nhân hóa, chạm được đến cảm xúc, đủ để thuyết phục và giữ chân khách hàng.
“Bên cạnh đó, kinh doanh đa kênh từ online đến offline là một xu thế tất yếu. Các doanh nghiệp nên tập trung nâng cao khả năng tiếp cận trên kênh online, cũng như phân bổ không gian trong cửa hàng để nâng cao trải nghiệm khách hàng”, ông Vivek Kaul nói thêm.
Các doanh nghiệp giàu tiềm năng
Chị Ngọc Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng cô con gái tuổi teen cùng nhau mua sắm tại cửa hàng gần nhà. Trong khi chị Thanh lựa chọn thực phẩm tươi sống thì con gái chị mua một cốc trà sữa tại quầy đồ uống đặt ngay trong cửa hàng.
“Gia đình mình thường xuyên ghé mua sắm và thấy rất tiện lợi. Tại đây, có thể vừa mua hàng hóa WinMart+, uống trà và cà phê của Phúc Long, giao dịch tài chính tại quầy của Techcombank hay tham khảo sim điện thoại tại khu vực của Reddi. Vì có nhiều sản phẩm dịch vụ nên các thành viên trong gia đình thường xuyên đi mua sắm cùng nhau, thấy rất vui vẻ và thú vị”, chị Thanh chia sẻ.
Đây là cửa hàng WinMart+ theo mô hình mini mall được Tập đoàn Masan tiên phong phát triển. Từ khi ra mắt, mô hình này ghi nhận hiệu quả vượt trội cả về mặt doanh thu và lưu lượng khách hàng.
Đại diện Masan cho biết: “Trong cuộc sống đô thị ngày càng bận rộn, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm tại các cửa hàng đa tiện ích. Những cửa hàng ‘tất cả trong một’ sẽ là xu hướng của thị trường bán lẻ trong tương lai. Không chỉ cung cấp nhu yếu phẩm thuần túy, tầm nhìn của Masan là xây dựng nền tảng ‘Point of Life’ đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng như nhu yếu phẩm, tài chính, y tế, dịch vụ số, giáo dục, giải trí….”.
“Đây sẽ là nền tảng xuyên suốt từ offline đến online giúp khách hàng tận hưởng cùng một trải nghiệm vượt trội dù đang ngồi tại nhà hay mua sắm các cửa hàng”, vị đại diện này nói thêm.
Masan hiện là tập đoàn tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Năm 2021 và quý I năm 2022, các mảng hoạt động của Masan đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Năm nay, mảng bán lẻ của Masan WinCommerce (WCM) đặt mục tiêu mở mới hàng nghìn siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+, giữ vững “ngôi vương” về quy mô điểm bán. Đồng thời, WCM cũng tập trung phát triển mô hình cửa hàng WinMart+ nhượng quyền để gia tăng độ phủ.
Mới đây, tại đại hội cổ đông hồi cuối tháng 4, tập đoàn Masan đã công bố đầu tư vào Trusting Social. Thỏa thuận góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Masan trở thành hệ sinh thái tiêu – công nghệ tích hợp từ offline đến online. Qua đó cung cấp các giải pháp ứng dụng AI và fintech trong bán lẻ và tiêu dùng, mang đến trải nghiệm khách hàng vượt trội.
Với các chiến lược đón đầu và kết quả kinh doanh khả quan, báo cáo của HSBC Global Research khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu của Masan (mã MSN). MSN cũng liên tục tăng trần trong các phiên gần đây cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào mã cổ phiếu này. Các công ty chứng khoán như HSC, HSBC, Bản Việt … dự phóng giá mục tiêu ngắn hạn của MSN dao động 158.000-165.400 đồng/cổ phiếu.
Theo Giang Tiểu San/Zingnews.vn