Categories Bất động sản

Liên quan Kim Oanh Group: Nếu sai phạm thì cần thu hồi các tài sản bất hợp pháp

Trước những dấu hiệu về việc thất thoát tài sản của Nhà nước, ý kiến chuyên gia pháp luật cho rằng cần phải thu những tài sản bất hợp pháp mà doanh nghiệp tư nhân đang sở hữu…

Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4
Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4

Dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước

Như báo chí đã phản ánh, hiện tại Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra những sai phạm liên quan đến mảnh đất 43ha tại Khu đô thị Tân Phú. Mặc dù vậy, với vai trò là Chủ đầu tư Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú. Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có giấy phép xây dựng.

Đáng chú ý, Kim Oanh Group đã có dấu hiệu huy động vốn của nhiều khách hàng dưới hình thức góp vốn hay “hợp đồng vay tiền” liên quan đến Dự án Tân Phú thông qua Công ty Nam Kim.

Từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 Công ty Nam Kim đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền 405 tỷ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt và qua các kênh khác ngoài Công ty Nam Kim). Số tiền này lớn hơn số tiền Công ty Kim Oanh mua Công ty Tân Phú để có được 43 ha đất.

Điều đáng nói là trong hợp đồng ký kết với khách hàng có ghi rõ: Điều kiện hợp đồng được ghi rất rõ “Bên B là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh”.

Trong khi đó, liên quan đến dự án này, Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra các sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Bình Dương vi phạm nghiêm trọng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản nhà nước và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thất thoát cho Nhà nước. Các giao dịch góp vốn, chuyển nhượng vốn trái pháp luật không có giá trị. Công ty Kim Oanh chỉ là người mua lại cổ phần từ Công ty Âu Lạc để sở hữu Công ty Tân Phú. Công ty Kim Oanh hưởng lợi ích và cũng phải chịu trách nhiệm về các hoạt động, rủi ro của Công ty Tân Phú.

Cùng với lùm xùm trên, tại các lô đất tại Dự án Cầu Đò, Thông báo bán đấu giá quy định người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ tiền đấu giá trong hạn 45 ngày. Công ty Kim Oanh cũng đấu giá một mình, trúng đấu giá. Công ty Kim Oanh kéo dài hạn thanh toán đến gần 1 năm và thực tế thì sau gần 2 năm Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết tiền.

Với các lô đất tại Dự án Hòa Lân, Thông báo bán đấu giá quy định người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ số tiền trúng đấu giá trong vòng 45 ngày, kể từ ngày đấu giá thành. Trên thực tế, gần 2 năm sau, Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết số tiển mua tài sản trúng đấu giá.

Dù chưa được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận là chủ đầu tư, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn, Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh vẫn ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá công chứng tại Văn phòng công chứng Thành phố mới vào ngày 01/7/2017.

Tại Dự án Mỹ Phước 4, Cầu Đò, nghiêm trọng hơn, Văn phòng công chứng Mỹ Phước còn công chứng cả nội dung trái pháp luật để các bên mua, bán hàng chục ha đất được nhà nước giao không thu tiền, là đất không được phép thế chấp, mua, bán.

Liên quan Kim Oanh Group: Nếu sai phạm thì cần thu hồi các tài sản bất hợp pháp ảnh 1
Cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Dương đang làm rõ những dấu hiệu sai phạm tại dự án Hòa Lân

Chính quyền nên vào cuộc quyết liệt

Trước những vấn đề xảy ra liên quan đến Kim Oanh Group, theo phân tích của Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển) thì chính quyền tỉnh Bình Dương cần vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn những hành vi sai phạm, thu hồi những tài sản của nhà nước đã hoặc có dấu hiệu bị thất thoát.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao thì, để làm chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét năng lực, tư cách, uy tín của doanh nghiệp và có quyết định phê duyệt, có thời hạn và các điều kiện triển khai. Đối với những đơn vị liên tục thanh toán chây ỳ, nợ thuế, vi phạm các quy định về đất đai, xây dựng thì cần có biện pháp ngăn chặn vì tiềm ẩn nguy cơ làm hỏng các dự án, ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế xã hội của địa phương.

Cũng theo Tiến sĩ Giao thì, việc thu hồi 43 ha đất về cho Nhà nước là việc cần thực hiện ngay để hạn chế tối đa các thiệt hại. Bên cạnh đó, các cơ quan pháp luật cần xử lý ngay các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi huy động vốn, bán đất khu Tân Phú khi chưa đủ điều kiện.

Trước đó, kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp cho thấy, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Thiên Phú) là khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) với tổng dư nợ sau khi quy đổi vào tháng 8/2012 là 294 tỷ đồng.

Để đảm bảo khoản vay, Công ty Thiên Phú đã ký hợp đồng thế chấp cho Agribank Chợ Lớn diện tích đất của dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 và diện tích đất của dự án khu dân cư Cầu Đò.

Ngoài ra, Công ty Thiên Phú còn thế chấp diện tích đất của dự án khu dân cư Hoà Lân để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng năm 2003 vay 305 tỷ đồng và hợp đồng tín dụng năm 2007 vay 18.634,3 lượng vàng SJC.

Bên cạnh việc ký hợp đồng thế chấp nói trên, Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú còn ký hợp đồng thế chấp các diện tích đất Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các dự án nói trên. Cụ thể: 179.872 m2 đất của dự án khu dân cư Mỹ Phước 4; 178.359 m2 đất của dự án khu dân cư Cầu Đò. Hợp đồng thế chấp này không được công chứng tại cơ quan công chứng có thẩm quyền.

Căn cứ ba hợp đồng tín dụng nói trên, tổng số tiền Công ty Thiên Phú vay Agribank Chợ Lớn là 599 tỷ đồng và 18.634,3 lượng vàng SJC.