Có một số DN nói chịu lỗ hàng trăm triệu đồng một chiếc xe và người tiêu dùng (NTD) phải chịu rất nhiều khoản thuế, phí và rất khó mua được ô tô giá rẻ, hoặc giá phải chăng, đại diện liên Bộ: Công thương – Tài chính, lý giải giá xe hơi trong nước đến tay NTD còn cao, do 2 nguyên nhân. chính cấu thành.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và giá thành mặt hàng ô tô, có thể khẳng định: đối với bất cứ quốc gia nào, nhất là những nước có đến 100 triệu dân như Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô hết sức quan trọng. Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định và nhấn mạnh nhiều lần. Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế đúng là giá thành ô tô ở Việt Nam hiện nay đang cao so với các nước khác, kể cả những nước đang phát triển, cũng như những nước xung quanh. Để tạo nên giá thành một chiếc ô tô, có 2 phần hết sức quan trọng. Một, sản xuất lắp ráp trong nước, được giảm giá thành. Thứ hai, thuế phí hiện chiếm một phần tương đối lớn trong tỉ lệ tạo thành giá thành.
Ông Nguyễn Thắng Hải, trao đổi phần liên quan đến chức năng của Bộ Công thương: sản xuất và lắp ráp. Hiện nguyên nhân để giá thành cao so với giá sản xuất ở các quốc gia, lãnh thổ khác: một, dung lượng thị trường của VN còn nhỏ, do ngành công nghiệp ô tô của VN chưa đủ các điều kiện thị trường và những yếu tổ khác để phát triển giống như các quốc gia khác trên thế giới, cũng như trong khu vực. Trong khi VN cũng phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt của các đối thủ khác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và kể cả các nước ASEAN.
Thứ hai, VN đi sau, phát triển sau so với các nước khác, kể cả các nước trong khu vực, chứ đừng nói đến các nước tiên tiến trên thế giới. Trong khi VN đã hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do, nên chúng ta phải thực hiện. Chính vì vậy, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp ô tô, không lớn, vì phải tuân thủ các cam kết quốc tế, có nghĩa , không phải VN muốn làm gì thì làm.
Thứ ba, thực tế hiện nay Việt Nam chưa có nhiều DN có tầm cỡ khu vực, cũng như thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Nếu tính trên đầu ngón tay, VN có thể tính đến Thaco Trường Hải, nhưng còn ai nữa? Liệu có phải Huyndai Thành Công ở Ninh Bình, hay Vinfast ? Còn phải có thời gian. Như vậy chúng ta không có những “đầu tàu”, nên rất khó để kéo những “toa tàu”, chính là nền sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Đây là một thực tế.
Một điểm khác, hiện tập quán kinh doanh của các nước, thường sử dụng các DN đã sản xuất của chính quốc gia họ về công nghiệp hỗ trợ. Chính vì vậy việc gia nhập mà VN hay dùng là kết nối giữa doanh nghiệp FDI với các DN nội địa còn hạn chế và điều đó cũng cản trở, gây khó cho việc sản xuất ở trong nước.
Thêm nữa, chúng ta đang rất thiếu những vật liệt cơ bản trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, kể cả ngành công nghiệp hỗ trợ, cũng như những việc khác. Các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ô tô như: thép chế tạo, nhựa, cao su… VN đều phải nhập khẩu. Mà đã nhập khẩu, giá thành cao, làm cho sản phẩm ô tô có giá cao. Còn rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sản xuất, lắp ráp các sản phẩm nội địa giá thành vẫn còn cao.
Về giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách, cũng như tất cả các cấp, các ngành đều hết sức quan tâm đến lĩnh vực này và khẳng định sẽ duy trì phát triển sản xuất ngành ô tô trong nước, để tạo thị trường cho ngành công nghiệp ô tô phát triển, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ. Tháng 12/2018, cả Thủ tướng và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị về ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Tháng 4/2019 cũng đã tổ chức hội nghị phát triển ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam.
Về giải pháp, một, chúng ta sẽ bảo vệ, tạo dựng và phát triển thị trường cho ngành ô tô trong nước, thông qua hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế. Có chính sách kích cầu tiêu dùng ô tô thông qua việc quy hoạch hợp lý hệ thống hạ tầng giao thông, khuyến khích tín dụng để tiêu dùng sản phẩm ô tô. Rồi phát triển hạ tầng GTVT, vì chúng ta muốn có nhiều ô tô, phải có đường sá. Việc này cũng hết sức quan trọng.
Thứ hai, Bộ Công thương đã họp rất nhiều lần, nắm bắt được nhu cầu, đề xuất kiến nghị của các DN hoạt động trong ngành ô tô của Việt Nam, kể cả trong nước và DN FDI, để đề xuất sửa đổi và bổ sung một số quy định liên quan đến thuế, phí, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.
Thứ ba, khuyến khích DN lớn đầu tư phát triển sản xuất ô tô, trong đó chú trọng đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào giá trị toàn cầu của ngành này.
Một điểm lớn, có các cơ chế thu hút chính sách đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, nhưng tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, để tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.
Ví dụ, những nước có cơ sở sản xuất trong ASEAN rồi, họ chỉ quan tâm đến thị trường Việt Nam thôi, nhưng do vốn nhỏ nên không thể phát triển được. Tuy nhiên, như vừa qua, Mazda, Hyundai, lập xưởng sản xuất ngay tại Việt Nam, với sự tham gia của DN Việt Nam, họ sẽ không chỉ nhìn vào thị trường nội địa của Việt Nam, mà còn hướng tới xuất khẩu, điều đó hết sức quan trọng. Ngoài ra còn phải có rất nhiều chính sách liên quan đến nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp hỗ trợ, kể cả về lao động, khoa học kỹ thuật. Đây là những chính sách mà liên Bộ đã trình và cũng có những chính sách như nghị định về công nghiệp hỗ trợ và quyết định của Chính phủ về sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp cơ khí, ngành công nghiệp hỗ trợ…
Lý giải thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, từ ngày 1/1/2018, thực hiện các hiệp định về thuế quan, cụ thể: Hiệp định ATIGA trong các nước ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô về 0% và như vậy việc cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước với ô tô nhập khẩu hết sức gay gắt.
Đối với các thị trường khác, thuế nhập khẩu ô tô, tức với MFM, mà không có FTA, tùy theo từng chủng loại: từ 10-60%, cao nhất 70%. Chính phủ rất quan tâm và đã có nhiều chỉ đạo để khi VN thực hiện các hiệp định thương mại tự do như vậy, làm sao để ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong nước vẫn có thể cạnh tranh được.
Vì vậy Bộ Tài chính, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 125, năm 2017, có hiệu lực từ 1/1/2018. Riêng điều khoản về chính sách với ô tô và chương trình về ưu đãi thuế 5 năm với ô tô, có hiệu lực từ tháng 11/2017.
Chương trình này đã thực hiện trong gần 2 năm vừa qua đạt kết quả rất tốt, rất thành công, được các DN sản xuất lắp ráp ô tô đánh giá cao. Chương trình ưu đãi ô tô 5 năm quy định thuế xuất ô tô 0%, thuế nhập khẩu 0% đối với các linh kiện phụ tùng sản xuất ô tô và trong nước chưa sản xuất được khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Qua một thời gian thực hiện, liên Bộ nhận được một số ý kiến của các DN và hiện Bộ Tài chính đang sửa đổi và dự kiến trong tháng 12/2019, sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 125.
Riêng chính sách đối với ô tô chúng tôi sẽ sửa theo hướng tạo thuận lợi hơn. Thứ nhất, sửa đổi các điều kiện để DN đáp ứng tham gia chương trình này một cách thuận lợi hơn nữa, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tổng kết đánh giá của các DN và các bộ, ngành. Thứ hai, bổ sung vào Nghị định 125 một nội dung hết sức quan trọng mà trong các cuộc họp, hội nghị về ngành cơ khí, hội nghị về công nghiệp hỗ trợ Thủ tướng cũng đã chỉ đạo: làm sao phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô, dự kiến trong dự thảo nghị định này thực hiện quy định thuế xuất 0% đối với nguyên liệu, vật tư để sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô.
Dự thảo hiện đã xin ý kiến các bộ, ngành, cũng như lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Một bước nữa ưu đãi hơn phục vụ cho các DN phụ trợ để sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô. Hy vọng và cố gắng để nghị định này được trình trong tháng 12/2019, sớm có hiệu lực.
Theo Đức Nguyễn/Người tiêu dùng