Lấy lại uy tín cho dâu tây, trái hồng Đà Lạt

Việc công bố nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”, “Hồng Đà Lạt” giúp 2 loại trái cây này nâng tầm thương hiệu, chống lại tình trạng hàng Trung Quốc giả mạo bán tràn lan trên thị trường

Ngày 3-7, UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tổ chức công bố quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt” và “Hồng Đà Lạt”. Tại buổi công bố, có 26 cá nhân, đơn vị trên địa bàn đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này. Trong đó, có 10 cá nhân và đơn vị trồng, kinh doanh dâu tây; 16 cá nhân, đơn vị trồng, sản xuất hồng ăn trái.

Khẳng định thương hiệu đặc sản Đà Lạt

Hiện diện tích dâu tây ở TP Đà Lạt vào khoảng 120 – 130 ha, sản lượng bình quân 1.500 tấn/năm. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ mới như canh tác giống mới, trồng trong nhà mái che, trồng bằng hệ thống thủy canh, trồng phủ ni-lông trên mặt luống hay cung cấp nước, phân bón qua hệ thống nhỏ giọt… đã làm tăng năng suất dâu tây lên gấp 2-3 lần và có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, diện tích dâu canh tác theo công nghệ mới vẫn còn hạn chế do chi phí đầu tư ban đầu cao. Hiện nay, giống, kỹ thuật trồng, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; sản xuất dựa trên kinh nghiệm là chính.

Trong khi đó, diện tích hồng tại Đà Lạt còn khoảng 370 ha, trong đó trồng xen trong cà phê chiếm khoảng 98,1%; còn lại là trồng thuần. Sản lượng quả tươi hằng năm đạt trên 12.500 tấn/năm.

85% trái hồng Đà Lạt tiêu thụ trên thị trường dưới hình thức ăn quả tươi. Do phải cạnh tranh với hồng Trung Quốc nên trái hồng Đà Lạt từ cây “xóa đói giảm nghèo” trước những năm 2000 thì hiện nay, người trồng hồng thu nhập bấp bênh. Do chưa có chính sách về giá, sản phẩm chưa có thương hiệu nên sản phẩm hồng ăn trái thường bị tư thương ép giá. Mặt khác, sản phẩm hồng ăn trái khi tiêu thụ trên thị trường chưa được kiểm duyệt; công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng… nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mua và thu nhập người trồng hồng. Nhiều nhà vườn chặt bỏ hồng để chuyển sang cây trồng khác khiến diện tích hồng ăn trái tại Đà Lạt ngày càng thu hẹp.

Lấy lại uy tín cho dâu tây, trái hồng Đà Lạt - Ảnh 1.
Hồng sấy công nghệ Nhật Bản – một trong những đặc sản Đà Lạt – được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.

Có mặt tại buổi công bố quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt”, chị Phạm Nữ Ngọc Trâm, chủ vườn dâu sạch ở phường 7, TP Đà Lạt, bày tỏ niềm vui vì cuối cùng dâu tây Đà Lạt cũng được “minh oan”. “Đây là cơ hội để người canh tác dâu tây Đà Lạt lấy lại niềm tin của người tiêu dùng cũng như phục hồi các diện tích dâu tây đã bị phá bỏ do cạnh tranh với hàng Trung Quốc thời gian qua. Bên cạnh đó, cũng là thách thức khi người nông dân phải tích cực áp dụng khoa học công nghệ trong canh tác để phát triển thương hiệu cũng như sản phẩm chất lượng ra thị trường” – chị Trâm nhìn nhận.

Chị Tôn Nữ Anh Đào, người trồng hồng ăn trái ở xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, cho biết hồng Trung Quốc tràn ngập Đà Lạt kéo giá cả xuống thấp thảm hại, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Hầu hết các nhà vườn xen canh cây hồng trong vườn cà phê không còn mặn mà và có xu hướng chuyển qua canh tác các loại hoa màu khác.

“Từ mùa vụ 2019 đến nay, giá hồng Đà Lạt có dấu hiệu phục hồi. Bây giờ, khi người dân được cấp quyền sử dụng chứng nhận nhãn hiệu thì sẽ rất yên tâm. Đặc biệt là những người đi theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch. Điều này cũng làm cho khách hàng, du khách khi mua dâu tây, hồng ăn trái sẽ yên tâm, không lo lắng về chất lượng của các đơn vị, cá nhân được cấp quyền. Hơn nữa, chứng nhận này sẽ giúp nâng tầm nông sản Đà Lạt, cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, tránh tình trạng giả mạo hàng” – chị Đào phấn khởi.

Tìm hướng phát triển bền vững

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết việc hàng Trung Quốc giả mạo, lạm dụng địa danh Đà Lạt xảy ra làm giảm uy tín cũng như thương hiệu sản phẩm. Trước những đòi hỏi của thị trường về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc xây dựng thương hiệu Đà Lạt cho sản phẩm dâu tây, trái hồng là hết sức cần thiết. “Việc này cũng là cách lấy lại công bằng cho các mặt hàng đặc sản Đà Lạt mà lâu nay mất uy tín do dâu tây, hồng Trung Quốc đội lốt” – ông Sơn khẳng định.

Cũng theo ông Sơn, để phát triển bền vững, người nông dân cần cải tạo giống và ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt; đào tạo nghề, kỹ thuật cho người lao động; phát triển hình thức hợp tác sản xuất. Đặc biệt, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường; đẩy mạnh phát triển mô hình trồng kết hợp du lịch sinh thái vườn tại các doanh nghiệp, hộ nông dân trên địa bàn thành phố nhằm quảng bá thương hiệu dâu tây và hồng Đà Lạt.

Khai thác hiệu quả thương hiệu

Theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Dâu tây Đà Lạt" và "Hồng Đà Lạt" là hướng đi mới cho sản phẩm đặc trưng của TP này. "Để các sản phẩm nông sản được chứng nhận phát triển trong thời gian tới, UBND TP Đà Lạt cần thực hiện tốt các quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu dâu tây, hồng Đà Lạt nhằm bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; đồng thời khai thác hiệu quả thương hiệu đặc sản Đà Lạt trên thị trường trong và ngoài nước" - bà Nhâm nhấn mạnh.

Theo ĐÌNH THI/Báo Người lao động