Lái xe không có cồn- nghiêm khắc nhưng cần ủng hộ!

Đã có ai ăn vài trái vải, uống chút nước trái cây hay ngậm loại thuốc nào đó rồi có nồng độ cồn và bị CSGT xử phạt chưa? Tất cả mới chỉ là bàn cãi, giả thiết và tranh luận gay gắt chứ thực tế thì chưa ai bị cả!

Lái xe không có cồn- nghiêm khắc nhưng cần ủng hộ!

Đã có ai ăn vài trái vải, uống chút nước trái cây hay ngậm loại thuốc nào đó rồi có nồng độ cồn và bị CSGT xử phạt chưa? Tất cả mới chỉ là bàn cãi, giải thiết và tranh luận gay gắt chứ thực tế thì chưa ai bị cả! Luật lệ nào chưa hoàn chỉnh cũng cần chỉnh sửa nhưng nên nhìn đến những lợi ích to lớn hơn…

Ủng hộ luật mới với những xử phạt nghiêm khắc và khá nặng đối với những ai lái xe khi có cồn, bất kể xe gì dù được đại đa số ủng hộ nhưng những người phản biện cũng không ít! Họ lo sợ giới hạn nồng độ cồn quá thấp sẽ có người bị oan. Họ e ngại luật định quá nghiêm khắc sẽ ảnh hưởng nhiều thứ và họ nghĩ rằng CSGT thà phạt lầm còn hơn bỏ sót!

Đó là nghĩ, đặt ra giả thuyết và suy luận chưa hề có trên thực tế. Một tuần trôi qua, trên cả nước đã hơn 2000 trường hợp bị phạt vì có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng chưa hề có ai bị “ oan ức” như lo ngại trên. Cũng chưa ai phàn nàn chỉ vì ăn trái cây, uống siro ho nên bị đo nồng độ cồn.

Có thể những lý giải của một vài quan chức như Vụ phó Vụ ATGT (Bộ GTVT) khiến dư luận ngỡ ngàng, lo ngại và bức xúc nhưng đó chỉ là cá biệt và biện minh tình thế.

Nhưng có lẽ giải thích này hợp tình hợp lý hơn “Ông Nguyễn Quang Nhật, Cục CSGT – Bộ Công an, cho biết trên thực tế có những tình huống như ăn trái cây (sầu riêng, vải…) mà hơi thở có nồng độ cồn thì người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn và nếu chưa rõ ràng có thể được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.

Yêu cầu luật phải rõ ràng, tránh bị suy diễn, giao cho cơ quan thi hành quá nhiều quyền và dễ bị làm dụng hoàn toàn chính đáng và cơ quan làm luật nên cân nhắc. Nhưng trước những TNGT kinh hoàng, mất mát đau đớn và cái chết thảm khốc do kẻ say mèm gây ra thì chúng ta nên ủng hộ cái lớn trước khi soi xét việc nhỏ.

Đây là những con số biết nói “Ủy ban ATGT quốc gia khảo sát trên 18.000 người phải cấp cứu vì tai nạn giao thông (TNGT), kết quả 40% số vụ do người uống rượu bia gây ra. Có những địa phương ở phía Nam trong 6 tháng đầu năm 70% số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia; có những bệnh viện chỉ định kiểm tra 195 nạn nhân là người điều khiển xe gây tai nạn trong 6 tháng đầu năm thì 100% có nồng độ cồn”!

Nhiều người đang thấy bất tiện, không ít vị đang cho rằng luật còn kẽ hở và cả những điều phải nhanh chóng chỉnh sửa. Nếu những chuyện đó khiến cho luật lệ hoàn chỉnh hơn, pháp luật được thượng tôn và công bằng với mọi chủ thể thì trước hay sau gì cũng cần xem xét.

Tuy nhiên vào lúc này, khi luật mới bắt đầu được thực thi, người dân có ý thức hơn cầm ly bia, chén rượu và nhất là nhiều vị có cồn không muốn lái xe nên được khích lệ hơn là bài bác, dè bỉu. Khắt khe ấy vì tính mạnh của chúng ta, bình an cho gia đình và yên lành cho xã hội thì có lẽ nên ủng hộ tinh thần chung của luật “ triêt tiêu” lái xe có cồn này.

Theo Phan Nguyễn/Người tiêu dùng