Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đồng loạt giảm

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không áp trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nhưng khá nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất huy động.

Các ngân hàng đã nhanh chóng thực hiện theo thông báo từ NHNN. (Ảnh: Internet).

Đồng loạt giảm lãi suất

Ngày 18/11/2019, NHNH ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, NHNN để các tổ chức tín dụng tự ấn định lãi suất trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất thấp nhất không thuộc về “big 4” (Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) mà thuộc về Techcombank. Ngân hàng này chia khách hàng thành nhiều đối tượng, trong đó mức lãi suất thấp nhất là 4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1-5 tháng.

“Big 4” có lãi suất rất tương đồng khi 4,3%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng, 4,8%/năm cho kỳ hạn 3-5 tháng. Các ngân hàng như ABBank, ACB, BacABank, CB, DongABank, GPBank, OceanBank, PGBank, PVcomBank, SCB, SeABank, SHB, VIB, VietABank, VietBbank đồng loạt áp dụng lãi suất 5%/năm cho các kỳ hạn 1-5 tháng. Các ngân hàng còn lại, áp dụng lãi suất dưới trần 5%/năm cho các kỳ hạn 1-5 tháng.

Tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, ACB, Agribank, BIDV, CB, Sacombank, Techcombank, TPBank, VietABank đồng loạt giảm lãi suất. Trong đó, lãi suất tại VietABank giảm mạnh nhất 0,7%/năm về mức 6,3%/năm. Mặc dù giảm tương đối lớn 0,4%/năm nhưng lãi suất tại CB vẫn cao nhất thị trường khi đạt 8%/năm. Điều này khiến chênh lệch lãi suất giữa CB và nhóm “big 4” lên tới 2,7%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng, ngoài CB còn lại khá nhiều ngân hàng duy trì lãi suất cao như NCB (7,9%/năm), BacABank (7,7%/năm), Vietbank và PVcomBank đều 7,5%/năm.

Đối với kỳ hạn 12 tháng, ABBank, BIDV, CB, Eximbank, MSB, NCB, Techcombank, TPBank, VIB, VietABank, VietBank đều giảm lãi suất. Giảm nhiều thuộc về VietABank với 0,6%/năm còn 7%/năm, kế đó là Techcombank giảm 0,5%/năm về 6%/năm, VIB giảm 0,4%/năm còn 7,59%/năm…

Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động thấp nhất thuộc về Techcombank (6%/năm), MSB (6,7%/năm), “big 4” cùng ACB, SeABank đều có lãi suất 6,8%/năm. Lãi suất 6,8%/năm được Agribank, BIDV, Vietcombank áp dụng cho các kỳ hạn 12-36 tháng. Tùy theo kỳ hạn 12-36 tháng, VietinBank sẽ áp dụng mức lãi suất 6,6-6,8%/năm.

Kỳ hạn 24 tháng, lãi suất giảm mạnh nhất thuộc về Nam A Bank khi giảm 0,9%/năm về 7,5%/năm, kế đó là VietABank giảm 0,8%/năm còn 7,1%/năm. Các ngân hàng ABBank, ACB, BIDV, CB, MSB, NCB, Techcombank cũng giảm lãi suất ở kỳ hạn 2 năm này. Techcombank trở thành ngân hàng có lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này khi chỉ có 5,9%/năm. Lãi suất cao nhất thuộc về Eximbank (8,4%/năm), CB (8,3%/năm), NCB và Vietbank (8,1%/năm), KienLongBank và PGBank (8%/năm).

Tại kỳ hạn 36 tháng, Techcombank giảm lãi suất mạnh nhất 0,9%/năm về còn 5,4%/năm – đây cũng là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất cho kỳ hạn 36 tháng. ABBank, ACB, BIDV, CB, MSB, NCB, VietABank cũng giảm lãi suất ở kỳ hạn dài ngày này. Lãi suất cao nhất thuộc về Eximbank (8,4%), CB và NCB (8,3%/năm), Vietbank (8,2%/năm), VietCapitalBank (8,1%/năm), PGBank (8%/năm).

Trái ngược hoàn toàn với các ngân hàng trên, GPBank lại tăng lãi suất 0,05%/năm cho các kỳ hạn trên 6 tháng; OCB tăng 0,1%/năm tại kỳ hạn 24 tháng, VIB tăng 0,1%/năm tại kỳ hạn 6 tháng.

BacABank, HDBank, KienLongBank, MB, OCB, OceanBank, PGBank, PVcomBank, Saigonbank, SCB, SeABank, Viet Capital Bank, VietinBank, VPBank là những ngân hàng không thay đổi lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng.

1
CB nằm trong nhóm ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường.

“Nắn” dòng vốn

Việc NHNN giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm và không áp trần cho các kỳ hạn trên 6 tháng, CTCP Chứng khoán SSI nhận định, điều này sẽ giúp ngân hàng dễ dàng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn (từ mức 40% hiện tại xuống 30%) theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/1/2020. Bởi vì, khách hàng gửi tiền sẽ ưu tiên chọn kỳ hạn có lãi suất hấp dẫn – đó là kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Theo NHNN, việc hạn chế các ngân hàng thương mại sử dụng vốn ngắn hạn cho các khoản vay trung và dài hạn sẽ là động lực để Việt Nam phát triển thị trường vốn trong dài hạn, đồng thời giảm rủi ro toàn hệ thống.

Ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu phân tích khối khách hàng tổ chức, Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam nhận định, Thông tư 22/2019/TT-NHNN có điểm đáng chú ý là lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn huy động ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn. Cụ thể, từ 1/1/2020 – 30/9/2020 là 40%; 1/10/2020 – 30/9/2021 là 37%; 1/10/2021 – 30/9/2022 là 34% và từ 1/10/2022 mới còn là 30%. Như vậy, việc điều chỉnh này “dễ chịu” hơn so với dự thảo trước đó, tức có 2 năm để các ngân hàng điều chỉnh, thích nghi.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang có hơn 7,43 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng. Trong đó, “big 4” chiếm 53% huy động tiền gửi. SCB (426.257 tỷ đồng), Sacombank (399.370 tỷ đồng), ACB (298.007 tỷ đồng), MB (254.130 tỷ đồng) là những ngân hàng thương mại tư nhân huy động tiền gửi khách hàng nhiều nhất thị trường.

Các ngân hàng có huy động tiền gửi thấp là: Saigonbank (14.702 tỷ đồng), PGBank (24.382 tỷ đồng), BaoVietBank (28.554 tỷ đồng, 30/6/2019), KienLongBank (31.494 tỷ đồng), Viet Capital Bank (34.231 tỷ đồng), VietBank (45.351 tỷ đồng), VietABank (47.589 tỷ đồng), NCB (58.343 tỷ đồng)...

Theo TRÍ NGUYỄN/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email