Thống kê số liệu từ 21 ngân hàng niêm yết cho thấy trong bối cảnh lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng.
Báo cáo về lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó có ngành ngân hàng quý III/2020 và dự báo cả năm 2020 do Fiin Group (chuyên phân tích dữ liệu tài chính, xếp hạng tín nhiệm) vừa công bố cho thấy lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng trong năm 2020 dự kiến vẫn tăng trưởng 10,2% so với năm trước, bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Fiin Group đã thống kê, phân tích từ số liệu của 21 ngân hàng thương mại đang niêm yết trên thị trường chứng khoán (chiếm khoảng 64,3% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng).
Theo đó, riêng trong quý III, tổng thu nhập hoạt động của 21 ngân hàng niêm yết tăng 12,6% so với quý trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng này giảm nhẹ 1% so với quý trước nhưng lại tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý III giảm nhẹ là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 29,5% so với quý III và tăng 19,8% so với cùng kỳ.
Điều này phản ánh các ngân hàng đã mạnh tay hơn trong trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Có điều, do tác động của Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ của Ngân hàng Nhà nước, dự phòng rủi ro vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của đại dịch Covid-19 lên lợi nhuận, do các ngân hàng đang được giữ nguyên nhóm nợ với những khoản vay bị ảnh hưởng dịch bệnh và chỉ phải trích lập tương ứng.
Tính cả giai đoạn 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh 10,2% so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý, biên lãi ròng NIM (chênh lệch giữa thu nhập và chi phí) của 21 ngân hàng niêm yết lại tăng mạnh trong quý III trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, phản ánh lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức đi xuống lãi suất đầu vào hiện nay.
“NIM trong quý III của các ngân hàng này đang ở mức cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2018 – giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng. Để có được mức NIM cao này là do các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ Bản Việt) tăng lên 9,2%/năm, từ mức 9%/năm trong quý III” – nhóm phân tích của Fiin Group chỉ rõ.
Ngoài ra, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so với quý trước, trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự lại giảm 2,6%. Điều này cho thấy lãi vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất tiền gửi thời gian qua.
Riêng với hoạt động tín dụng trong quý IV/2020, Fiin Group dự báo NIM vẫn ở mức cao do lãi suất huy động đang tiếp tục giảm.
Ghi nhận của Báo Người Lao Động, làn sóng giảm lãi suất đầu vào tại nhiều ngân hàng thương mại đã diễn ra từ đầu tháng 10 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vừa qua, một loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, nhất là kỳ hạn dài trên 12 tháng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại đang “ngóng” lãi vay giảm thêm, nhất là lãi suất với các khoản vay cũ.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến đầu tháng 11-2020, các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Chính sách Xã hội) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.183 khách hàng với dư nợ 341.855 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 552.725 khách hàng, với dư nợ 931.018 tỉ đồng…
Theo Thái Phương/Báo Người lao động